Phát triển lâm nghiệp bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và đảm bảo QP-AN tại Quảng Ninh, nhất là ở khu vực biên giới, miền núi.
Quảng Ninh có tổng diện tích tự nhiên 617.779ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, độ che phủ rừng duy trì ổn định 55%, hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng (cả trên cạn, ven biển và trên các đảo). Đây là lợi thế để tỉnh đẩy mạnh việc phát triển ngành lâm nghiệp, nhất là trồng rừng gỗ lớn. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững KT-XH và đảm bảo QP-AN các khu vực biên giới, miền núi, hải đảo.
Hằng năm, tỉnh bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách thường xuyên đầu tư cho phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cho đến nay, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong cả nước ban hành nghị quyết riêng cho phát triển lâm nghiệp bền vững. Tiếp đến, ngày 25/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đã xác định mục tiêu trong năm 2022 phải trồng ít nhất 2.000ha rừng gỗ lớn như lim, giổi, lát để bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh.
Các chỉ đạo của tỉnh được cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương cụ thể hoá bằng những nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch công tác; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức như hội nghị, lồng ghép trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp dân định kỳ hằng tháng, trên trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh tại các xã, thôn, bản.
Đơn cử như huyện Ba Chẽ đã xây dựng đề án phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025, theo đó, đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị về gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Từ nguồn hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, Ba Chẽ đẩy nhanh tiến độ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, kịp mùa vụ trồng rừng. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng việc triển khai trồng rừng trên địa bàn đúng kỹ thuật, mật độ trồng, bón phân, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng đảm bảo thành rừng.
Tính đến 15/8/2022, diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện đạt 3.257,8/3.300ha, đạt 98,7% kế hoạch, bằng 104,7% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng gỗ lớn đạt 435,2ha (đạt 85,3% kế hoạch, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ); diện tích trồng cây bản địa như quế, thông đạt 853,5ha (bằng 129,3% kế hoạch, bằng 208,1% so cùng kỳ); diện tích trồng rừng gỗ nhỏ đạt 1.969,18ha. Trồng cây dược liệu đạt 50,72ha (đạt 70,4% kế hoạch, bằng 331,9% so với cùng kỳ). Hết tháng 9/2022, Ba Chẽ đã hoàn thành vượt chỉ tiêu theo kế hoạch UBND tỉnh giao về trồng rừng gỗ lớn năm 2022 với diện tích 510,04ha (vượt 5,16%).
Không riêng Ba Chẽ, nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã tập trung thực hiện, đạt tỷ lệ cao như: Tiên Yên, Vân Đồn, Hải Hà… Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, lâm nghiệp Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Giai đoạn 2020-2021, toàn tỉnh trồng được 23.738ha rừng tập trung, trong đó có 1.473ha rừng gỗ lớn; giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm (tăng gần 10% so với giai đoạn 2018-2019); khai thác và tiêu thụ 1.086.815m3/năm (tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu hằng năm theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TU); thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp đạt trên 70 triệu đồng/năm.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng rừng tập trung loài cây gỗ lớn bình quân 12.206ha/năm, tăng 1.412ha/năm so với giai đoạn năm 2018-2019. Trong đó, chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, diện tích trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa lim, lát, giổi ước đạt 2.200ha.
Trong thời gian tới, bên cạnh hướng tới mở rộng phạm vi áp dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, khuyến khích trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất thí điểm mở rộng đối tượng chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ cây giống trồng rừng, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra.