Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica ) và doanh nghiệp tỉnh Miyagi muốn hợp tác nuôi hàu ở Việt Nam để bán nội địa lẫn xuất khẩu.
Với sự ủy thác của Jica, Yamanaka, nhà buôn bán hải sản của tỉnh Miyagi (Nhật Bản) cho biết đã nghiên cứu khả thi việc áp dụng công nghệ nuôi hàu sử dụng ăn sống từ tháng 6/2022 tại tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả bước đầu được công bố chiều 14/2 cho hay, hai phương pháp nuôi của Nhật Bản được thử nghiệm mang lại kết quả hàu phát triển ổn định, thuận lợi, tỷ lệ chết không đánh kể.
“Thông qua dự án, chúng tôi hy vọng thành lập được nền tảng nuôi hàu kháng thiên tai để nâng cao năng suất nuôi trồng, tăng giá trị bằng cách cải thiện các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh; nâng cao thu nhập người nuôi”, ông Shinji Takada, Tổng giám đốc Yamanaka cho biết.
Yamanaka cũng là nhà buôn hàu lớn, chuyên nhập hàu Nhật Bản và bán tại 350 điểm kinh doanh ở Việt Nam. Người đứng đầu công ty đặt mục tiêu hợp tác phát triển được vùng trồng tại chỗ theo công nghệ nhật để bán tại chỗ và xuất khẩu đi Đài Loan, Thái Lan.
Khảo sát mới công bố của Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) cho biết Việt Nam có gần 3000 ha nuôi hàu. Loài này đang được nuôi tại 20 trên 28 tỉnh thành ven biển, chủ yếu ở cửa sông hoặc bãi triều, nhiều nhất ở Khánh Hòa và Quảng Ninh.
Nghề nuôi hàu hiện mang lại thu nhập khá tốt. Tại Khánh Hòa, theo tính toán của ICAFIS, một bè hàu được đầu tư khoảng 45 triệu đồng bao gồm chi phí giống và nhân công. Doanh thu mỗi vụ dao động 30-50 triệu đồng mỗi bè. Mỗi hộ thường có 3-5 bè và nuôi được 3 vụ mỗi năm.
Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàu tại Việt Nam vẫn thấp và được các chuyên gia đánh giá là chưa khai thác hết tiềm năng. Tại Khánh Hòa, 95% sản lượng dùng làm thức ăn tôm hùm, 4% dùng làm thực phẩm cho người thị trường nội địa và 1% cho xuất khẩu.
Hay như tại TP HCM, thành phố có 220 ha nuôi hàu tại huyện Cần Giờ, sản lượng trên 21.000 tấn mỗi năm nhưng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Các cơ sở bóc tách hàu nhiều nhưng cả nước hiện chỉ có 2 doanh nghiệp có chế biến xuất khẩu hàu thường xuyên là BIM Group và VINABS. Các công ty như Việt Trường, Lenger Seafood có hoạt động nhưng đơn hàng không ổn định.
“Điểm yếu ngành hàu là khó khăn trong quản lý nguồn nước để nuôi hàu sạch hướng đến xuất khẩu, công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao, chưa có công nghệ đảm bảo được chất lượng thịt và chống chịu thiên tai, cùng với thiếu nguồn giống tốt”, ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc ICAFIS đánh giá.
Theo đề xuất của phía Nhật Bản, để đạt chất lượng hàu ăn sống và xuất khẩu, phương pháp nuôi treo được nước này sáng tạo từ năm 1925 và công nghệ nuôi lồng Australia là phù hợp.
Phương pháp nuôi treo có hiệu quả trong môi trường nước sâu, ưu điểm chống chịu thiên tai, bão tố như các tỉnh miền Trung thường gặp. Trong khi phương pháp lồng dùng các lồng nổi giáp mặt nước để hàu ăn động vật phù du. Các lồng lợi dụng dòng chảy và gió để hàu lắc lư nhiều, giúp làm sạch vỏ, mang đến hình dạng đẹp phục vụ cho ăn sống.
“Chúng tôi định sẽ thiết lập một hệ thống rửa vệ sinh hàu để đóng gói thương phẩm, hy vọng sẽ triển khai được trong năm nay hoặc năm tới”, ông Shinji Takada nói thêm.
Ông Nguyễn Thành Luân, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 (RIA2) cho biết điểm quan trọng của kế hoạch là thời gian tới cần xác định chính xác giống hàu nào để nuôi theo các phương pháp của Nhật Bản, vì các giống hàu bản địa Việt Nam không nuôi được khoài khơi nước sâu theo công nghệ treo.
Hiện hai giống hàu phổ biến được nuôi tại Việt Nam là hàu Thái Bình Dương (thường được mua giống từ Đài Loan, Nhật Bản) và hàu đá. Vì nhiệt độ nước biển trung bình quanh năm 28-30 độ C nên rất khó lấy giống tự nhiên, do đó người nuôi chủ yếu mua giống từ các trung tâm nhân giống.
Điểm hạn chế là có ít trung tâm nhập giống về mà thường tiếp tục tạo giống để bán từ các thế hệ sau, khiến hiện tượng cận huyết cao, dẫn đến giảm năng suất nuôi. Do vậy, các chuyên gia dự án của Nhật Bản cũng sẽ góp phần cải thiện nguồn giống cho ngành.