Nỗ lực của Bình Liêu

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự chung tay của các cấp, ngành, đơn vị, sự vào cuộc tích cực của người dân, năm 2022 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu NTM.

Hộ anh Hoàng Đức Hải (xã Hoành Mô) vươn lên làm giàu từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Huyện hiện có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Điểm xuất phát xây dựng NTM của huyện rất thấp, trung bình chỉ đạt 3,7 tiêu chí; 100% các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (trên 60% là hộ nghèo, hộ cận nghèo); kinh tế chậm phát triển, văn hóa xã hội lạc hậu, hạ tầng cơ sở yếu kém và thiếu đồng bộ, trình độ dân trí thấp và không đồng đều…

Triển khai xây dựng NTM, hằng năm huyện đều ban hành nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch triển khai, nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các kế hoạch đều nêu rõ mục tiêu, giải pháp cụ thể, chi tiết giai đoạn, từng năm, phân công rõ người, rõ việc và tổ chức thực hiện với khí thế thi đua sôi nổi, tạo sự đồng tình hưởng ứng, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân. 

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh cả về nội dung và hình thức; hoạt động đối thoại với nhân dân được chú trọng triển khai. Huyện phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, các lực lượng vũ trang chung tay xây dựng NTM; chú trọng nâng tầm vai trò chủ thể của người dân, tích cực đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào và đem lại hiệu quả thiết thực.

Thông qua các mô hình, phong trào cụ thể gắn với xây dựng NTM đã làm chuyển biến tư tưởng, nhận thức của hội viên, nhân dân, đóng góp quan trọng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Nhân dân tích cực hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới văn hóa, văn minh.

Lãnh đạo huyện Bình Liêu thăm mô hình nuôi cá nước lạnh tại xã Húc Động. Ảnh: La Lành (CTV)

Huyện triển khai nhiều giải pháp phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Từ năm 2020, huyện hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản trên địa bàn, tổng chiều dài hơn 250km, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững với những giải pháp thiết thực, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ xã hội theo hướng khơi dậy ý chí của người dân tự lực vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Huyện chú trọng xây dựng các dự án liên kết trồng và chế biến cây chủ lực trên địa bàn; trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây lim, giổi, lát; đẩy mạnh cho vay vốn Ngân hàng CSXH để hỗ trợ phát triển sản xuất… Đặc biệt, những nội dung công việc khó, huyện tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai. Năm 2022, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Tháng cao điểm về tiêu chí môi trường, Kế hoạch phát động chiến dịch 45 ngày đêm hoàn thành cơ bản công tác GPMB; quyết liệt trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đề ra…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, năm 2022 giá trị sản xuất của huyện đạt 2.105,3 tỷ đồng, tăng 13,75% so với năm 2021; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,3%; tỷ lệ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM là 1,19%; tất cả các xã đạt các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, trong đó Hoành Mô, Húc Động đạt xã NTM nâng cao, thị trấn Bình Liêu đạt đô thị văn minh.

Thanh Hoa