Thời điểm này là lúc nhiều doanh nghiệp bắt đầu lên kế hoạch dự trữ hàng hóa cho mùa cao điểm mua sắp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Dự kiến sức mua đợt cao điểm này sẽ tăng từ 15 – 30% đối với tùy từng mặt hàng. Nhằm bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường cho đợt cao điểm mua sắm này, các địa phương đang nỗ lực kết nối cung cầu hàng hóa, qua đó vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, vừa tránh tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu bị tăng đột biến.
Dự kiến lượng hàng hóa tiêu dùng cho dịp cuối năm, cận Tết tăng 10 – 15%. Siêu thị Big C Thăng Long đã lên kế hoạch từ sớm với các nhà cung ứng.
“Chúng tôi dự báo sản lượng, gửi kế hoạch cho các nhà cung cấp, cùng với đó là chuẩn bị kho bãi để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ cho lưu trữ hàng hóa cho phục vụ mùa Tết năm nay”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, cho biết.
Các mặt hàng bánh kẹo là nhóm hàng có giá trị và sản lượng tiêu thụ lớn nhất mỗi dịp cuối năm Tết đến. Do đó, đây là thời điểm các siêu thị đang lên kế hoạch về lượng hàng hóa tiêu dùng cuối năm nay, để thông báo cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phân phối đủ hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.
TP Hà Nội ban hành kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm, cận Tết với 9 mặt hàng thiết yếu, mặt hàng tiêu dùng cao dịp Tết và yêu cầu doanh nghiệp dự trữ cao gấp 3 lần thông thường.
“Tính trên nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội nhưng khi vào kế hoạch Tết, nó sẽ phải tăng gấp 3. Trong kế hoạch bình ổn tương đương dự trữ khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng với kế hoạch Tết tương đương 19.000 – 21.000 tỷ”, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, dịp Tết năm nay bổ sung nhiều nhóm hàng mới vào chương trình bình ổn thị trường, lượng hàng tăng từ 3 – 5% so với năm 2022. Hàng bình ổn thị trường mùa Tết sẽ chiếm từ 25 – 43% nhu cầu toàn thị trường. Thành phố cũng sẽ liên tục tổ chức các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng.
Để đảm bảo công tác điều hành giá, Bộ Công Thương cũng có tổ điều hành thị trường trong nước, thường xuyên theo dõi, bám sát các địa phương để đảm bảo nguồn cung và giá cả hàng hóa, không gây ra tình trạng đẩy giá, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.