Quảng Ninh hiện đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 trên cơ sở thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.
Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế sang tăng trưởng xanh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và đến năm 2030 chiếm 30% GRDP.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ… Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả nên chiến lược kinh tế số của tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Nếu như trước năm 2020, kinh tế số chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của Quảng Ninh, thì năm 2021, kinh tế số đã chiếm 5% và được nâng lên thành 8% năm 2022, dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP.
Một trong những đơn vị điển hình áp dụng công nghệ số vào triển khai các bước hoạt động nghiệp vụ là Cục Thuế tỉnh. Theo báo cáo của đơn vị, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tỷ lệ doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế điện tử đạt 99,2%, tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử đạt 34,6%.
Ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng, Trưởng BCĐ Chuyển đổi số Cục Thuế tỉnh, cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Cục Thuế tỉnh sẽ tập trung vào việc hiện đại và số hóa công tác quản lý thuế. Tiếp tục triển khai các đề án về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, duy trì hệ thống khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử… Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người nộp thuế thực hiện nộp thuế trên thiết bị di động qua ứng dụng eTax Mobile; khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua các dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử hiện đại, tích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Theo thống kê, đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 95,7% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 99,2% số thu NSNN gồm thuế, phí, lệ phí của tỉnh được thực hiện qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản được thanh toán trực tuyến điện tử. Tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã áp dụng mô hình chợ 4.0, các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, chợ hạng 1 trên địa bàn sử dụng mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Toàn tỉnh đã có gần 350 sản phẩm thuộc OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada… qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
Chị Đặng Thị Loan (tiểu thương kinh doanh tại quầy 154, chợ 3, TP Móng Cái), cho biết: Tôi đánh giá cao việc thanh toán qua quét mã QR code, thực hiện công nghệ hiện đại, nhất là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, với thời đại 4.0 hiện nay là rất nhanh chóng, tiện và an toàn cho cả người tiêu dùng lẫn hộ kinh doanh. Việc chuyển tiền qua tài khoản không mất thời gian chờ đợi và không lo tiền giả. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thực hiện triệt để việc phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Sở bám sát vào văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như QR code, chip NFC, công nghệ blockchain… để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hoạt động thương mại điện tử, như: Phát triển, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm; vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh; tập huấn thông tin, tuyên truyền về thương mại điện tử; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh theo đúng xu hướng phát triển chung trong thời đại số 4.0. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp và lộ trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Hiện Quảng Ninh cũng đã đạt được 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời với đó, tỉnh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin…
Có thể thấy, phát triển kinh tế số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, hướng tới trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.