“Mùa vàng” của những ông chủ vườn na Đông Triều

Tháng 8 hằng năm, khắp các vùng quê ở Đông Triều rộn ràng không khí thu hái, đóng hộp, vận chuyển na đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đối với người nông dân nơi đây, mùa na được ví như “mùa vàng”.

Cánh đồng na tại xã Việt Dân, TX Đông Triều.

Đến với HTX na VietGAP, thôn Tân Thành (xã Việt Dân, TX Đông Triều), mặc dù đã hơn 11h trưa, nhưng tại gia đình ông Hoàng Tiến Đang, công việc hái na vẫn đang tiếp diễn. Hơn 1ha, trong đó có 2.000m2 na bở và 5.000m2 na dai, đều được trồng thấp, theo hàng lối để tiện thu hoạch. Việc tưới nước, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật đều được giám sát chặt chẽ.

Ông Đang phấn khởi chia sẻ: Trung bình cứ 1.000m2 cho thu hoạch 1 tấn quả, giá bán na bở tuyển đạt khoảng 80.000 đồng/kg, na dai 40.000 đồng/kg tại vườn. Mỗi năm, gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng. Quả na trồng theo tiêu chuẩn VietGAP khi đưa ra thị trường có dán tem truy xuất nguồn gốc và được đựng trong hộp giấy để tránh dập, vỡ. Sau khi thu hoạch, cây na sẽ được cắt tỉa cành, bón phân để chuẩn bị cho vụ Đông (trái vụ).

Ông Hoàng Tiến Đang, thôn Tân Thành, xã Việt Dân chăm sóc vườn na của gia đình.

Cây na được trồng theo chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn nhiều so với trồng theo phương pháp truyền thống trước kia. Nhờ thu nhập tốt từ cây na, nhiều nông dân ở TX Đông Triều có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa vật dụng sinh hoạt đắt tiền.

Với 400 gốc na bở, mỗi cây cho 20kg quả, giá bán 1,5-1,7 triệu đồng/năm, trong khi chi phí chăm sóc chỉ khoảng 100.000 đồng/năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hiên, thôn Tam Hồng (xã An Sinh) có điều kiện để nâng cao thu nhập gia đình. Ông Hiên chia sẻ: Cây na có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với gia đình tôi. Cũng nhờ thu nhập tốt từ loại cây này mà việc nuôi hai con học đại học ở Hà Nội đã không còn là gánh nặng về kinh tế.

Cũng giống như ông Hiên, cây na đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (xã An Sinh) xây được ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống. Ông Tuấn chia sẻ: Ngày xưa trồng các loài cây hoa màu, thu nhập hằng năm ít ỏi, tôi cứ nghĩ không biết bao giờ mới xây được nhà cho vợ con ở sung túc. Nhưng từ khi TX Đông Triều vận động chuyển đổi diện tích đất hoa màu kém chất lượng sang trồng na, chúng tôi đã chuyển đổi dần và đến nay toàn bộ diện tích đều trồng na theo quy trình VietGAP, cho thu nhập cao.

Theo thống kê của TX Đông Triều, hiện toàn thị xã có 912,2ha trồng na, tại 14/21 xã, phường; năng suất 124,6 tạ/ha, sản lượng 11.366 tấn. Trong số đó, 355ha đã được chứng nhận VietGAP và tiếp tục triển khai việc chứng nhận mới. Thị xã đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tăng diện tích trồng na lên 990ha, trong đó có 140ha na bở. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, thị xã sẽ duy trì và nhân rộng 665ha đạt chứng nhận VietGAP, 100% diện tích còn lại sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; 65ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Ngoài ra, thị xã cũng đang triển khai thực hiện dự án phục tráng các giống na đang được trồng tại địa phương, đảm bảo năng suất của giống được phục tráng đạt trên 150 tạ/ha; tiến hành thay thế 30% diện tích na hiệu quả thấp đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng.

Na của TX Đông Triều được người dân đóng gói trong bao bì cẩn thận để xuất ra thị trường.

Để tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ sản phẩm na cho các doanh nghiệp, HTX và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm na, ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Thời gian tới, TX Đông Triều tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng na về kỹ thuật canh tác, cách sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật đúng, an toàn; dự báo, cảnh báo tác động khí hậu, môi trường; thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn, trực tiếp trao đổi, hướng dẫn bà con nông dân trong canh tác, chăm sóc cây na. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia các chương trình thực hành sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để quả na Đông Triều được biết đến và tiêu thụ tại nhiều thị trường rộng lớn hơn.

Ngọc Trâm