Khai thác lợi thế thương mại điện tử (TMĐT), nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ dân đã kết nối mở rộng kênh quảng bá, phân phối nông sản. Nhờ đó, nhiều nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá trị.
Kênh bán hàng hiệu quả
Thời gian qua, nhiều nông sản đặc trưng của tỉnh đã được các chủ thể sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT. Từ bắt nhịp với xu thế mới này đã mở ra triển vọng lớn cho nông sản vươn xa.
Không chỉ quan tâm nâng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nhiều HTX tại huyện Lục Ngạn đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản tại địa phương và quảng bá rộng rãi trên các nền tảng TMĐT. Theo anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền, xã Phì Điền (Lục Ngạn), vụ táo vừa qua, nhờ ứng dụng TMĐT để quảng bá rộng rãi nên các sản phẩm của HTX tiêu thụ thuận lợi, giá bán ổn định ở mức cao hơn so với hình thức bán hàng truyền thống.
Tại không gian triển lãm, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, cơ hội kết nối giữa TP Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tổ chức cuối năm 2023, HTX đã tổ chức quảng bá trên mạng Tiktok thu hút đông đảo khách hàng. Cũng theo anh Nết, từ tháng 12/2023, HTX chính thức mở bán online các loại đặc sản của huyện Lục Ngạn như: Vải thiều sấy, táo tươi, mứt táo, cam, bưởi và mật ong hoa vải. Kết quả, đã có hàng trăm đơn hàng được chuyển đến tay khách hàng. Để vận hành kênh bán hàng mới, HTX thuê một đơn vị truyền thông rồi đẩy lên các nền tảng mạng xã hội như: Tiktok, Facebook, Zalo và một số sàn TMĐT.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Quang Duy (Yên Thế) cũng đang tập trung triển khai rộng rãi kênh phân phối trực tuyến với khoảng 80% sản phẩm được bán qua kênh này.
Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX cho hay: “Hiện nay, chúng tôi đang liên kết với nông dân trồng vùng nguyên liệu để sản xuất dầu lạc. Dịp Tết vừa qua, HTX tiêu thụ được hơn 20 nghìn lít dầu lạc qua các kênh trực tuyến như Zalo, Facebook và sàn TMĐT. Do không phải qua các khâu trung gian, sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng nên giá trị tăng hơn. Việc bán hàng online cũng ngày càng thuận lợi bởi khách hàng giờ đây đã thay đổi phương thức tiếp cận thông tin. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng, thương hiệu sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng.
Tiếp tục hỗ trợ đưa nông sản vươn xa
Lợi thế của TMĐT là giúp người sản xuất giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm, việc quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn so với kênh bán hàng truyền thống. Nhiều chủ thể đã khai thác thế mạnh này để phát triển các kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Theo Sở Công Thương, năm 2023, cơ quan này đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ các DN, HTX, hộ sản xuất lên các sàn TMĐT trong nước nhằm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Cùng đó, tổ chức 2 hội nghị tập huấn về TMĐT, trong đó 1 lớp cho đối tượng là các DN, HTX nhằm nâng cao nhận thức về TMĐT; hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh như: Tiktok, Zalo và khởi tạo gian hàng trên sàn Posmart.vn…
Đặc biệt, tháng 6/2023 tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) đã quy tụ hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng Tiktok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo… Trong vòng 4 giờ, các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút gần 1,7 triệu lượt xem, 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ đưa sản phẩm của 5 HTX lên sàn TMĐT trong nước và quốc tế.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, tiêu thụ nông sản. Cùng đó sẽ phối hợp với ngành chức năng tích cực tổ chức tập huấn về cách quảng bá nông sản online; đầu tư xây dựng thương hiệu tiến đến dán tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm… Từ đó tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản qua mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ các DN, HTX, hộ nông dân tham gia chương trình chuyển đổi số và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Sở Công Thương tiếp tục quan tâm hỗ trợ các DN, HTX, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tham gia khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT trong nước và nước ngoài nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ hàng nông sản, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh; hỗ trợ bán hàng online bằng các hình thức như: Livestream, Tiktok, Facebook… Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, phát triển hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code…