Mỗi năm tỉnh có khoảng 60.000 hội viên nông dân đăng ký thi đua SXKD giỏi ở các cấp. Từ phong trào này, khắp các vùng thôn quê của Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều những tỷ phú nông dân, làm giàu có cho nông thôn tỉnh nhà.
Làm giàu cho mình, cho quê hương
Anh Bùi Trọng Toán (thôn Đông Hải, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) là một trong những tấm gương nông dân SXKD giỏi của địa phương. Từ một cơ sở chế tác thủ công mỹ nghệ sinh nhai ban đầu, sau nhiều năm cần cù, chịu khó, anh Toán đã có xưởng sản xuất rộng hàng trăm m2, mỗi năm mang lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Anh Toán cho biết: “Công việc làm ăn thuận lợi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi, mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong thôn. Hiện xưởng có hơn chục lao động thường xuyên và thời vụ, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) nổi tiếng khắp vùng với mô hình nuôi vịt trong nhà, diện tích hơn 3,5ha, tổng đàn gia cầm trên 15.000 con. Để nâng hiệu quả chăn nuôi, ông Cường đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, mái che bằng tôn chống nóng, máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi… Năm 2023 ông Cường mạnh dạn đầu tư thêm mô hình nuôi giun quế làm phân hữu cơ. Đến nay mô hình đã cho ra những thành phẩm đầu tiên, bước đầu cho lợi nhuận. Mỗi năm ông Cường thu về 2,5-2,7 tỷ đồng từ mô hình kinh tế trang trại. Theo ông Cường, để đạt được thành công như ngày hôm nay, bên cạnh chăm chỉ, nông dân cần bắt nhịp với xu thế chung của ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ để nâng giá trị nông sản.
Còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu khác, như anh Trần Minh Tâm (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư vườn dâu tây, phát triển du lịch sinh thái. Khu vườn trải nghiệm của gia đình anh hiện có hơn 2.000m2, chủ yếu là trồng dâu tây và các loại cây ăn quả, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm vào cuối tuần, ngày lễ. Ông Trần Văn Hậu (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) đã biến trang trại cam của gia đình thành mô hình trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái, vừa gia tăng thu nhập, vừa quảng bá cho nông sản địa phương…
Những tấm gương nông dân SXKD giỏi dám nghĩ, dám làm ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn tỉnh. Họ mạnh dạn vượt khó vươn lên, tiên phong tìm tòi thử nghiệm, nhân rộng các loại cây, con giống mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất; phát huy thế mạnh của địa phương, tạo thành các vùng sản xuất chuyên canh, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng.
Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Với sự quan tâm của HND các cấp tỉnh, phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng phát triển rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo hội viên nông dân. Mỗi năm tỉnh có khoảng 60.000 hội viên nông dân đăng ký thi đua SXKD giỏi ở các cấp. Năm 2023 tỉnh có gần 45.600 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Lực lượng này là hạt nhân trong xây dựng NTM, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần đưa Quảng Ninh về đích những mục tiêu đề ra.
Để phong trào ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, các cấp HND đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào; vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, xây dựng NTM.
Các cấp HND chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân; tổ chức tham quan học tập, xây dựng các mô hình trình diễn cây, con giống mới; cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời tăng cường mối liên kết “6 nhà” để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, tiêu thụ nông sản hàng hóa; tích cực hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số để tăng giá trị cho nông sản.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Thời gian tới HND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân SXKD giỏi, tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái xanh – sạch, ứng dụng công nghệ cao theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP; thành lập, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; chủ động hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật…