Bình Liêu tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp, thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đến nay, nhiều mô hình, cách làm, đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.

g
Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở xã Lục Hồn.

Những năm gần đây, nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng lúa… kém hiệu quả đã được người dân Bình Liêu chuyển sang trồng các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao, như: Cam, dong diềng, ổi, rau an toàn… cho thu nhập cao. Các hộ gia đình cũng tích cực tham gia những tổ, nhóm, HTX sản xuất nông nghiệp áp dụng KHKT.

HTX Tân Cường Phát (xã Lục Hồn) là đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới. Được huyện hỗ trợ trên 200 triệu đồng, HTX đã đối ứng hơn 450 triệu đồng để xây dựng nhà lưới kiên cố, lắp đặt hệ thống phun mưa, tưới nước nhỏ giọt, thông gió… với diện tích 750m2, dù chỉ đưa vào áp dụng không lâu, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Hoàng Phúc Hiếu, Chủ nhiệm HTX Tân Cường Phát, cho biết: Từ khi làm nhà lưới, hạt mưa không tác động trực tiếp đến cây rau. Nhà lưới tương đối kín, ngăn cản được một phần ánh nắng, gió và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại, nên năng suất cũng tăng gần gấp đôi. Trong quá trình canh tác rau, gần như không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân hóa học, chỉ xử lý nấm bệnh trong đất khi cần…

Trong chăn nuôi, nhiều hộ trên địa bàn Bình Liêu đã từng bước chuyển dần từ nhỏ lẻ, tự phát, sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, tập trung và mang tính chất hàng hóa. Theo thống kê, hiện tổng đàn gia súc của huyện có khoảng 10.400 con, đàn gia cầm là 112.000 con, tăng 31,7% so với năm 2015.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhằm có những mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả, các ngành chức năng của Bình Liêu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, đưa các cây con, giống mới vào sản xuất; chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể phù hợp với cơ sở để tổ chức thực hiện. Mặt khác, huyện đã thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông phục vụ sản xuất; huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị trên địa bàn giúp đỡ người dân phát triển mô hình kinh tế…

CBCS Đồn BPCK Hoành Mô hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây theo mô hình
CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây theo mô hình “Vườn cây kiểu mẫu”. Ảnh: Nguyễn Chiến

Mới đây, 3 hộ dân tại thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô đã được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, phối hợp với một số ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện hỗ trợ xây dựng mô hình “Vườn cây kiểu mẫu”, với tổng diện tích đất canh tác là 7.300m2. Theo đó, các hộ dân đã nhận bàn giao 1.000 cây quýt, 500 cây bưởi da xanh, 100 cây mít Thái Lan, 100 cây bơ sáp, tổng trị giá 50 triệu đồng; cùng 70 triệu đồng để mua phân bón cây ban đầu, chăm sóc cây trong 3 năm tiếp theo. Mô hình không chỉ giúp các hộ dân thôn Nà Choòng ổn định sản xuất và còn sớm vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế; tạo động lực cho người dân trong thôn, cũng như trong xã tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đầu tư tập trung, áp dụng KHKT.

Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Bình Liêu thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện thu nhập bình quân của huyện ước đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Bình Liêu phấn đấu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 7%. Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất; vận động nông dân thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng, từng bước thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo vùng sản xuất ổn định, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Nguyễn Thanh