Mới đây, Parkson Việt Nam đã nộp đơn xin phá sản, kết thúc sự hiện diện của nhà bán lẻ nước ngoài đến từ Malaysia từng được xếp vào hàng các trung tâm thương mại mua sắm hạng sang bậc nhất tại Việt Nam. Trước đó, suốt từ năm 2015 đến nay, 5 trung tâm thương mại của Parkson lần lượt đóng cửa với những khoản lỗ lớn do môi trường kinh doanh đầy thách thức và hậu quả dịch Covid-19.
Điều này cho thấy, Parkson đã bộc lộ dấu hiệu kiệt sức trong cuộc đua giành thị phần và “miếng bánh” bán lẻ của Việt Nam không còn dễ ăn như trước dù được đánh giá đầy tiềm năng và gặt hái nhiều thành công.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nguyên nhân thất bại của Parkson do “lười” thay đổi từ phong cách đến phương pháp, chiến lược kinh doanh. Trong khi thói quen của người tiêu dùng luôn thay đổi, các trung tâm thương mại luôn phải nghiên cứu, lắng nghe để hiểu khách hàng cần gì, chứ không đơn thuần chỉ tạo ra một địa điểm bán hàng. Nhưng dường như Parkson đã “ngủ quên” trên chiến thắng, không chịu thay đổi theo xu hướng mới để phù hợp thị trường hơn.
Parkson vẫn giữ mô hình kinh doanh nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới những người thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác,… Bên cạnh đó, Parkson cũng không tạo được sự mới mẻ trong hoạt động, như những đối thủ vào sau là Lotte hay Aeon Mall,… bằng việc tích hợp khu vui chơi, rạp chiếu phim và ăn uống trong khu mua sắm khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng “lớp trên” như Parkson.
Nhờ các điểm mua sắm phức hợp “all in one”, các đối thủ đàn em của Parkson luôn giữ được lượng khách ổn định và mở rộng thêm. Với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới, Việt Nam được coi là mảnh đất giàu tiềm năng cho ngành bán lẻ.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có sự cạnh tranh gay gắt cho tất cả những người tham gia trong “cuộc chơi” này. Nếu phân tích kỹ vào từng trường hợp riêng lẻ, có thể thấy điểm chung giữa những nhà bán lẻ thua lỗ và rời bỏ thị trường Việt Nam do các chiến lược kinh doanh của họ không phù hợp tâm lý và văn hóa người Việt Nam.
Chính vì vậy, với ưu thế “sân nhà” sẵn có, cùng sự am hiểu về thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của người dân, đã đến lúc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải nắm bắt cơ hội, tạo ra sự bứt phá nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm, cũng như đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Đã đến lúc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải nắm bắt cơ hội, tạo ra sự bứt phá nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm, cũng như đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam. |
Hiện Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 70 đến 80% số điểm bán trên cả nước. Song để phát triển bền vững, các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ phải luôn đổi mới nhằm tạo ra thiết kế và trải nghiệm đa dạng, phong phú với khách hàng, không chỉ dừng lại ở việc sao chép và mang tới những mô hình “na ná” nhau như thực tế đang tồn tại trên thị trường hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường xây dựng thể chế, chính sách bảo vệ doanh nghiệp trong nước bằng việc tạo lập các hàng rào kỹ thuật.
Song song với sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần nâng tầm bản thân, nghiên cứu các quy tắc nội khối để tận dụng lợi ích của các FTA. Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần liên kết thành các tổng công ty, tập đoàn bán lẻ lớn, xây dựng thương hiệu bán lẻ của riêng mình; chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, marketing sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Khi đó, chắc chắn các doanh nghiệp bán lẻ sẽ “sống khỏe”, còn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi có thêm nhiều sự lựa chọn, cũng như thuận tiện trong thỏa mãn nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí và phục vụ chuyên nghiệp hơn.