Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cấp mã số vùng trồng, từ đó kiểm soát một cách hiệu quả từ quy trình sản xuất đến truy xuất nguồn gốc trên thị trường. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đặc biệt, đây cũng được xem là “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.
Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nhận thấy tính cấp thiết của việc cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho một số cây trồng, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 62 mã số vùng trồng (trong đó có 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 16 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu) với tổng diện tích trên 1.520ha và 9 mã số cơ sở đóng gói. Hiện tỉnh đang tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu tại mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng theo hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với tổng diện tích 60ha; duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung khoảng 6.300ha đối với các sản phẩm rau, lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, hoa, cây cảnh…
Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình như tại xã Việt Dân (Đông Triều) đã sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na, hình thành các vườn na, vùng na được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng, quả na được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả… Đó là những dữ liệu để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, là điều kiện của thương mại điện tử cũng như đưa sản phẩm na Đông Triều với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn tới người tiêu dùng tại các tỉnh, thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn, bởi Quảng Ninh là một tỉnh vùng núi có địa hình trải dài, rộng, nhiều địa hình hiểm trở gặp nhiều trở ngại trong việc kiểm tra thực địa, thiết lập, quản lý, giám sát vùng trồng. Thêm vào đó, việc sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều nên việc đảm bảo theo tiêu chí diện tích đối với một số loại cây trồng (cây ăn quả,…) tại nhiều nơi chưa đạt. Công tác tuyên truyền về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn hạn chế nên các tổ chức, cá nhân, người dân chưa hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nên không chủ động làm hồ sơ để cấp mã. Một số ít chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và định hướng đến việc thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ vai trò, lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý, cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giai đoạn 2023-2025; mở rộng mô hình ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý mã số vùng trồng trên các cây trồng có tiềm năng xuất khẩu như quế, hồi, chè, trà hoa vàng… Ngành cũng tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Có thể nói, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông sản khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn góp phần tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.