Đổi mới xúc tiến thương mại

Phát hiện tiềm năng, mạnh dạn khai thác thế mạnh thị trường trong tỉnh, giúp các doanh nghiệp OCOP đẩy mạnh sản xuất, hồi phục sau dịch… là một định hướng quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại. Hội chợ OCOP Móng Cái cũng như các hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường mới là những đổi mới trong xúc tiến thương mại năm 2022.

Theo thống kê, hiện Quảng Ninh đã có trên 500 sản phẩm OCOP, trong đó gần một nửa là các sản phẩm tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Nhờ đó, các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP dần khẳng định thương hiệu, có sức hút lớn.

faf
Hiệu quả từ Tuần tiêu thụ nông – thủy sản Quảng Ninh năm 2021 tại TP Móng Cái là cơ sở để thúc đẩy xúc tiến thương mại tại đây năm 2022.

Trong khi đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại OCOP dần hồi phục, tạo chất xúc tác quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi “sức khỏe”, năng lực sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ, mở rộng thị trường vì thế ngày càng tăng. 

Trên cơ sở đó, Hội chợ OCOP cấp tỉnh sẽ lần đầu tiên được tổ chức ở TP Móng Cái vào đầu tháng 11/2022. Đây là hội chợ quy mô, dự kiến sẽ có từ 200-250 gian hàng. Trên thực tế, nâng cấp hoạt động xúc tiến thương mại này, mở rộng quy mô là có cơ sở và là điểm mới trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022. Bởi những năm trước, các sự kiện hàng Việt, Tuần tiêu thụ nông – thủy sản Quảng Ninh gắn với sản phẩm OCOP tại Móng Cái và một số địa phương miền Đông đã cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này. 

Để nâng cao chất lượng, thành công trong lần đầu tổ chức, Hội chợ đưa ra những tiêu chuẩn cao trong chiêu thương, lựa chọn sản phẩm tham gia. Trong đó, ưu tiên khoảng trên 100 gian hàng OCOP Quảng Ninh, chọn các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, có bao bì, mẫu mã tốt…

Để đa dạng hóa nguồn hàng, sản phẩm OCOP các địa phương các miền Bắc – Trung – Nam cũng được chiêu thương. Trong đó, dành một phần ưu tiên cho quan tâm tới các thị trường hoa quả, đạt các tiêu chuẩn cao về chất lượng, tiêu chuẩn mã vùng nhằm đa hạng hóa, chuyển hướng sản phẩm xuất khẩu, như các vựa hoa quả Sơn La, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Tiền Giang…

Điểm mới và hấp dẫn các doanh nghiệp không chỉ là mở rộng thị trường, trong khuôn khổ hội chợ còn có các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu nông sản, sản phẩm OCOP chất lượng. Đó là hội nghị thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước châu Á… do Bộ Công Thương tổ chức, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm.

faf
Sở Công Thương xúc tiến thương mại OCOP ở Lào và các thị trường liên kết vùng cao trong năm 2022 giúp mở ra nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Rõ ràng có thể thấy, sự đổi mới trong xúc tiến này kỳ vọng đem lại làn gió mới trong khai thác, thúc đẩy xúc tiến thương mại gắn với khai thác thị trường mới, đồng thời gắn với xúc tiến và kết nối nông sản phục vụ cho du lịch, xuất khẩu hàng hóa. Không chỉ vậy, dấu ấn xúc tiến thương mại năm 2022 còn có nhiều hoạt động định hướng khai thác, mở rộng thị trường mới trong nước và quốc tế.

Đó là việc mở rộng, kết nối với các tỉnh, thành có tính kết nối vùng, trung tâm vùng như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai… Cùng với đó là việc trọng tâm vào các thị trường có các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… 

Một điểm mới trong các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 chính là khôi phục kết nối xúc tiến với thị trường tiềm năng Lào. Sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ Lào. Đây cũng là bước đi để tiếp tục thúc đẩy, mở rộng, khai phá, chinh phục các thị trường trong ASEAN như Campuchia, Thái Lan.

Hà Phong