Đông Triều xây dựng điển hình nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh

Luôn là lá cờ đầu của tỉnh và cả nước trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023 TX Đông Triều đặt mục tiêu 100% các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu trở thành điển hình NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Kỹ thuật viên chăm sóc cây trồng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vineco. Ảnh: Khánh Giang
Kỹ thuật viên chăm sóc cây trồng tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vineco. Ảnh: Khánh Giang

Trái ngọt từ ý Đảng, lòng dân

Bắt tay vào xây dựng NTM, BCH Đảng bộ thị xã ban hành nghị quyết về xây dựng NTM các thời kỳ 2010-2015 và 2016-2021; lấy kinh tế – xã hội nông thôn làm trọng tâm tổ chức, triển khai thực hiện, xác định rõ người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện cũng là người thụ hưởng thành quả từ chương trình.

Thị xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò chủ thể của người dân và sự đồng hành của các doanh nghiệp, LLVT để tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sức lan tỏa trong phong trào. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thực hiện cụ thể với thứ tự công việc ưu tiên rõ ràng; trong đó tập trung vào các tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống theo chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí trở thành phường, hướng tới mục tiêu thị xã đạt tiêu chí đô thị loại III.

Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Hoàng Văn Thông (thôn Lâm Xá 3, xã Hồng Thái Tây) bước đầu cho hiệu quả kinh tế.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Hoàng Văn Thông (thôn Lâm Xá 3, xã Hồng Thái Tây) bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

Với cách làm sáng tạo, đồng sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân đã tạo nên bức tranh NTM thị xã đổi thay từng ngày, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn đã đổi thay một cách toàn diện, trở thành miền quê đáng sống. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hiện nay đạt trên 75 triệu đồng/năm, tăng trên 2 lần so với năm 2015, tăng gấp 5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 0,49%; môi trường được cải thiện rõ rệt, ANTT được giữ vững.

Bà Bùi Thị Loan (thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương) chia sẻ: Xây dựng NTM trên địa bàn đã tác động lớn vào tư duy, nhận thức của mỗi người dân Tràng Lương nói chung, thôn Trại Thụ nói riêng. Với sự quan tâm, sát cánh từ lãnh đạo địa phương, các tổ chức đoàn thể, đơn vị đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân chung tay phát triển kinh tế, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Điển hình nông thôn mới kiểu mẫu

Theo Bí thư Thị ủy Đông Triều Nguyễn Văn Công, thị xã hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu “thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững” nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững. Thị xã phấn đấu xây dựng Đông Triều trở thành điển hình NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, góp phần xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2023…

Đến nay 9/11 xã của thị xã đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong mục tiêu cụ thể, bên cạnh phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu đối với 2 xã còn lại là Tràng Lương và Hồng Thái Tây, thị xã hướng tới mục tiêu thành lập phường đối với 4 xã (Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức); xây dựng mô hình thôn, xã thông minh trong xây dựng NTM kiểu mẫu đối với 7 xã (Nguyễn Huệ, Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Tràng Lương, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông), đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 thôn thông minh, trong đó Việt Dân xây dựng theo hướng xã thông minh – kiểu mẫu theo 33 trụ cột chính (xã hội số, kinh tế số, chính quyền số).  

Mô hình chăn nuôi bò 3B của hộ ông Diệp Văn Đại (thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khánh Giang
Mô hình chăn nuôi bò 3B của hộ ông Diệp Văn Đại (thôn Trại Thụ, xã Tràng Lương) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khánh Giang

Để hoàn thành các mục tiêu này, thị xã đang tập trung triển khai các phần việc cụ thể. Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ thị xã ban hành một số nghị quyết chuyên đề, quan trọng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các nghị quyết về phát triển KHCN, GD&ĐT, bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, di tích trên địa bàn; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của BCH Đảng bộ tỉnh; phê duyệt Đề án NTM kiểu mẫu gắn với phát triển kinh tế nông thôn giai đoạn 2021-2025…

Trong đó thị xã đẩy mạnh thực hiện các nhóm giải pháp: Chú trọng xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM kiểu mẫu, tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp thị xã, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường thực hiện CCHC theo hướng chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở cấp xã; đẩy mạnh áp dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp.

Người dân thôn Tân Lập (xã Hồng Thái Đông) tích cực tham gia, hưởng ứng các phần việc xây dựng môi trường nông thôn sáng-xanh-sạch-đẹp.
Người dân thôn Tân Lập (xã Hồng Thái Đông) tích cực tham gia xây dựng môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp.

Cùng với đó, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn… Đồng thời củng cố, hoàn thiện hạ tầng sản xuất, như đường giao thông nội đồng, kênh mương cấp thoát nước, tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để áp dụng cơ giới hóa, KHKT, tổ chức sản xuất theo đặt hàng, xây dựng nhiều mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đa dạng hóa các ngành nghề trong nông thôn bằng việc phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Tập trung phát triển xã hội số, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ nguồn lực cho các xã thực hiện xây dựng NTM theo hướng nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu. Tăng cường nguồn lực hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đông Triều phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 85 triệu đồng; duy trì các xã không có hộ nghèo.

Thanh Hoa