Giải pháp thoát nghèo ở Vân Đồn

Năm 2018, huyện Vân Đồn đã xóa được 154 hộ nghèo (đạt 106,2% kế hoạch) từ những giải pháp như đầu tư cơ sở hạ tầng vào các thôn, bản còn trong diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), hỗ trợ xây dựng nhà ở, vốn, giống cho người nghèo.

Trên địa bàn huyện Vân Đồn vẫn còn 5 thôn, bản trong diện ĐBKK, gồm Đồng Dọng, Đồng Cống (xã Bình Dân), Đài Van (xã Đài Xuyên), Đài Làng (xã Vạn Yên), Bản Sen (xã Bản Sen). Năm 2018, từ nguồn vốn 135, huyện đã đầu tư hệ thống hạ tầng 15,7 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất 660 triệu đồng cho các thôn, bản này. Bên cạnh đó, cán bộ các cấp, ngành trên địa bàn huyện, xã đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, xây dựng các mô hình thoát nghèo, như: Nuôi bò sinh sản tại bản Đài Van (xã Đài Xuyên) và thôn Làng Đài (xã Vạn Yên); mở rộng mô hình nuôi ngỗng sư tử, ngan Pháp tại thôn Đồng Dọng (xã Bình Dân)… Đến nay, các mô hình đều phát triển tốt, nhiều hộ đã thoát nghèo khi tham gia mô hình.

Đời sống của gia đình anh Nguyễn Tiến Thôn, bản Đài Van đã được nâng cao hơn nhiều so với mấy năm trước, do huyện Vân Đồn đã tập trung đầu tư vào các thôn bản ĐBKK
Đời sống của gia đình anh Nguyễn Tiến Thôn (bên trái), bản Đài Van, xã Đài Xuyên, đã được nâng cao hơn, tuy Đài Van vẫn trong diện ĐBKK.

Đa phần đường giao thông chính ở các thôn, bản ĐBKK đã được đầu tư tốt hơn trước. Để người dân thoát nghèo bền vững, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cùng vào cuộc giúp đỡ các hộ nghèo xây nhà để “an cư lạc nghiệp”. Mới đây nhất, ngày 23/12, Đoàn Thanh niên xã Quan Lạn đã tổ chức trao nhà cho anh Bùi Văn Đông là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Bắc, xã Quan Lạn. Ngôi nhà có diện tích 70m2 với tổng đầu tư 300 triệu đồng. Trong đó có 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa của Đoàn Thanh niên xã Quan Lạn, còn lại do anh Đông vay mượn của gia đình và người thân.

Năm nay, toàn huyện có 9 hộ xây nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng/hộ, trong số này có 3 hộ người khuyết tật được hỗ trợ không hoàn lại 25 triệu đồng/hộ. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng đô thị Phương Đông hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng 11 nhà cho người nghèo ở các xã Quan Lạn, Hạ Long, Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên với tổng số tiền là 465 triệu đồng. Còn lại 35 triệu đồng, Công ty dành hỗ trợ 1 hộ nghèo ở bản Đài Van, xã Đài Xuyên, khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt. Hiện các ngôi nhà đang hoàn thành, đảm bảo người dân có nhà mới đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Xã Bản Sen có thôn Bản Sen vẫn trong diện ĐBKK. Đây là thôn mới được hình thành từ năm 2016, sau trận mưa lụt lịch sử tháng 8/2015, khiến thôn Bản Sen cũ biến thành bãi hoang. Huyện Vân Đồn đã xây dựng khu tái định cư vẫn lấy tên là Bản Sen ở vùng đất an toàn hơn, gần trung tâm xã. Bà con được cấp trung bình 300m2 đất/hộ và được đầu tư miễn phí điện, nước… Nơi ở mới có nhiều thuận lợi khác như gần trường học, trạm xá, bến tàu. Năm 2016, khi mới chuyển đến nơi tái định cư mới, thôn còn 10 hộ nghèo, nhưng đến nay, số hộ nghèo chỉ còn 2 hộ (chiếm 6,1%).

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoại, thôn ĐBKK Bản Sen phát triển tốt đời sống nhờ duy trì nghề trồng cam
Anh Nguyễn Văn Thoại, thôn ĐBKK Bản Sen (xã Bản Sen) chăm sóc vườn cam.

Bà con thôn Bản Sen vốn có nghề trồng cam, khi chuyển về nơi ở mới vẫn được sử dụng diện tích đất của mình ở thôn cũ để trồng cam. Khi hết mùa cam, bà con lại năng động đi biển đánh hà, bắt ngao, vạng, nhiều hộ tham gia nuôi trồng thủy sản. Đầu tháng 12 vừa qua, gia đình chị Phạm Thị Lan, hộ nghèo ở thôn Bản Sen đã được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật Thanh Tùng hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Các đoàn viên, thanh niên xã Bản Sen, chiến sĩ Trạm Ra đa 485 – đơn vị đóng quân trên địa bàn xã vào cuộc giúp chị Lan công xây dựng, đảm bảo ngôi nhà xong trước Tết Nguyên đán. Đây là hộ cuối cùng khó khăn về nhà ở của thôn Bản Sen. Theo lãnh đạo xã Bản Sen thì hiện thôn đã đạt đủ các tiêu chí, chỉ còn chờ quyết định của cấp trên để ra khỏi diện ĐBKK.

Thực tế, thôn Bản Sen không có hộ dân nào sống bằng nghề làm ruộng nên không phải đầu tư cho hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng mà dành nguồn lực đó tập trung đầu tư vào các cơ sở hạ tầng khác, giúp đời sống người dân sớm ổn định. Còn các thôn, bản ĐBKK khác của Vân Đồn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vẫn rất cần đầu tư hoàn thiện hơn các công trình hạ tầng để giúp người dân tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo và giúp các thôn, bản này sớm thoát khỏi diện ĐBKK.

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn