Hỗ trợ nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Khi công nghệ số lan tỏa đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, thì ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Giờ đây, nhiều nông dân của Quảng Ninh đã sử dụng thuần thục chiếc điện thoại thông minh để kết nối trực tiếp với người mua, kiểm tra vùng trồng hoặc quảng bá giới thiệu nông sản qua các sàn thương mại điện tử.

Chả mực Bà Nụ tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp, nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2023 tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh. Ảnh đơn vị cung cấp.

Trang mạng xã hội Facebook Chả mực Bà Nụ – Đặc sản Vân Đồn của cơ sở chả mực Bà Nụ, khu 8, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) được thành lập từ năm 2015 khi xu hướng bán hàng trên mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những kênh giao dịch thương mại lớn. Ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ cơ sở, cho biết: Những năm gần đây, cơ sở này tiếp tục bắt nhịp xu thế thương mại mới, tổ chức những buổi livestream bán hàng, quay video quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng này và đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Có ngày cơ sở tiêu thụ được gần 1 tấn chả mực.

Còn đối với HTX Nông – lâm – ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái), ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, thời gian gần đây, HTX cũng đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Hiện các sản phẩm của đơn vị như khoai lang sấy, khoai lang tươi, trà khoai lang, tỏi đen… đã có mặt ở Postmart, Sendo, Teqni.gov.vn… và đã xây dựng được các đại lý phân phối tại nhiều tỉnh, thành. Nhờ chủ động bắt nhịp với chuyển đổi số, 2 năm gần đây HTX có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đồng Quang Cường (bên trái) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số để kiểm soát quy trình chăn nuôi vịt tại trang trại của mình. Ảnh tư liệu.

Nhiều nông dân, chủ cơ sở sản xuất cũng mạnh dạn tham gia chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như ông Đồng Quang Cường, chủ trang trại chăn nuôi vịt tại xã Cẩm La, TX Quảng Yên. Các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh của ông Cường. Dù ở không gian, thời gian nào ông Cường cũng nắm rõ tình hình sản xuất thực tế, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua các mã lệnh được cài đặt trên ứng dụng, qua đó xử lý những tình huống phát sinh.

Bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0 hiện nay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Theo đó, các cấp hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Nội dung hướng tới các kỹ năng cơ bản để truy cập, khai thác các ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; giới thiệu phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử; tạo lập, hỗ trợ kỹ thuật trong các trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.

Ngoài ra, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn hội viên trong việc tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt… 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia chuyển đổi số; chỉ đạo, thành lập nhóm chuyên tư vấn, hỗ trợ tổ chức cung ứng dịch vụ cho nông dân kỹ năng, nghiệp vụ trực tiếp livestream bán hàng trên các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử.

Nguyên Ngọc