Hoành Bồ: Đưa dược liệu thành hàng hóa

Thời gian qua, huyện Hoành Bồ đã tích cực, chủ động đưa cây dược liệu tại địa phương thành sản phẩm hàng hóa trên cơ sở ứng dụng KHCN, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, ươm trồng, chế biến… nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm nấm kim tiền thảo của HTX Nông nghiệp xanh Tinh Hoa là một trong những sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến.
Sản phẩm nấm kim tiền thảo của HTX Nông nghiệp xanh Tinh Hoa là một trong những sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến.

Hoành Bồ là địa phương có nguồn dược liệu tự nhiên đa dạng. Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, tác dụng sinh học, công năng điều trị và có giá trị cao về kinh tế. Hiện nay, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm, có lợi cho sức khỏe. Người dân tộc Dao trên địa bàn huyện đã tận dụng khai thác để chế biến thành một số bài thuốc dân gian có hiệu quả cao như: Lá tắm phụ nữ sau sinh, lá tắm trẻ sơ sinh, lá xông hơi chữa cảm cúm… Cùng với đó, nhiều công ty, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng trồng, nhân rộng sản xuất cây dược liệu với diện tích lớn, như: Công ty CP Dược y tế Đức Minh (trên 100ha), HTX Nông dược xanh tinh hoa xã Quảng La (trên 10ha), HTX Nông dược Quang Vân (gần 10ha)…

Để đưa sản phẩm dược liệu thành hàng hóa, có chỗ đứng trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đã thực hiện sản xuất, chế biến ra nhiều loại mặt hàng bổ dưỡng, có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Một số sản phẩm cũng đã được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Tiêu biểu như: HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, với các sản phẩm: Bún dược liệu, tinh dầu sả chanh, tinh dầu bạc hà, tinh bột nghệ, kim tiền thảo, cà gai leo, trinh nữ hoàng cung…, trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 3 sao trong chương trình OCOP của tỉnh. Công ty CP nấm Thịnh Phát (xã Đồng Lâm) với các sản phẩm trồng, chế biến nấm linh chi công suất 3-4 tấn khô/năm…, trong đó Công ty có 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao trong chương trình OCOP. HTX Quế Sơn với các sản phẩm chính: Lá tắm sản phụ, lá tắm trẻ sơ sinh, lá ngâm chân…

Đóng gói sản phẩm lá tắm người Dao tại HTX Quế Sơn, xã Đồng Sơn.
Đóng gói sản phẩm lá tắm người Dao tại HTX Quế Sơn, xã Đồng Sơn.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, cho biết: “Đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, HTX đã tập trung đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Không ngừng phát triển sản phẩm, tháng 8/2016, HTX đã tiến hành nghiên cứu, đầu tư, sản xuất bún dược liệu với các thành phần, như: Hoài sơn, ý dĩ, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen… , bún gạo, bún đương quy (đã đạt 3 sao trong hội thi đánh giá sản phẩm uy tín thương hiệu OCOP tỉnh) có tác dụng bồi bổ sức khỏe, đặc biệt cho người mắc bệnh tiểu đường, người già, trẻ nhỏ. Đây là bước tiến mới của HTX để tiến tới chế biến nhiều hơn nữa các sản phẩm từ dược liệu.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hoành Bồ, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 130ha diện tích đất trồng cây ba kích, dược liệu tại các xã Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Tân Dân, Đồng Lâm, Quảng La, Sơn Dương… Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện cần được phát huy hơn nữa.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Hoành Bồ có tiềm năng phát triển trồng, chế biến cây dược liệu. Để phát huy hiệu quả, tiềm năng của địa phương, huyện tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, HTX, doanh nghiệp trồng, sản xuất dược liệu đưa ra thị trường tiêu thụ, qua đó khẳng định thương hiệu của địa phương”.