Hướng tới “Tam nông” hiện đại, văn minh, giàu có

Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung, song nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đặt vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.

Hiện đại hóa nông nghiệp

Trước đây, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn ở “thì tương lai” đối với Quảng Ninh, thì nay đã thành hiện thực. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) VinEco Quảng Ninh (TX Đông Triều) và Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt – Úc (huyện Đầm Hà) là 2 khu nông nghiệp CNC lớn của Quảng Ninh, đánh dấu sự “chuyển mình” của ngành Nông nghiệp của tỉnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án nông nghiệp CNC khác, như: Dự án sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng CNC tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả; Trung tâm sản xuất giống CNC và nuôi thực nghiệm giống hải sản Quảng Ninh; Vùng trồng vải thiều, vải chín sớm Phương Nam theo hướng VietGAP… Trong số đó, nhiều dự án nông nghiệp CNC đang được chính những người nông dân Quảng Ninh thực hiện. Qua đó, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực, các đối tượng chủ lực tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Một số vùng sản xuất tập trung cho kết quả vượt so với kế hoạch, như: Vùng trồng vải đạt 102,3%; vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt 100,4%; vùng nuôi tôm tập trung đạt 203,3%, vùng nuôi nhuyễn thể đạt 100,4%…

Hiện, Bộ NN&PTNT đã trình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Quảng Ninh, tạo hạt nhân thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC cho Quảng Ninh và vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Sản phẩm dưa lưới được trồng theo quy trình công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà.
Sản phẩm dưa lưới được trồng theo quy trình công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà.

Chủ thể của nền nông nghiệp hiện đại vẫn luôn là những người nông dân. Do đó, để tạo nên nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyên nghiệp hóa sản phẩm, hình thành sản xuất hàng hóa. Vì thế, Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả chương trình “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là Chương trình OCOP). Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Từ chủ trương của tỉnh, Chương trình OCOP đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp tới các địa phương, tổ chức và nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở khắp nơi, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Bằng các giải pháp khác nhau, người dân hồ hởi, tích cực, chủ động tham gia chương trình. Đến nay, Quảng Ninh đã có 175 đơn vị tham gia với 449 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.

Chương trình OCOP không chỉ tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất, mà còn tạo nền tảng cho Quảng Ninh có những thuận lợi đưa nông sản địa phương vươn ra “biển lớn”.

Những vùng quê đổi mới

Tuyến đường thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, được xây dựng khang trang.
Tuyến đường thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, được xây dựng khang trang.

Trong tiềm thức của nhiều người, Quảng Ninh là vùng đất gắn với sản xuất than, vùng đất của các di sản. Thế nhưng, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Quảng Ninh là tỉnh có huyện NTM, xã NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước. Gần 2.700 tỷ đồng đã được Quảng Ninh đầu tư cho các vùng nông thôn. Đến nay, Quảng Ninh có 7 địa phương đã được công nhận và 2 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM; 91 xã đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến các vùng nông thôn của Quảng Ninh hôm nay, dễ dàng nhận thấy một vùng nông thôn văn minh đang hiện rõ với những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối dài khắp các thôn, những ngôi nhà khang trang san sát và cả những người nông dân hăng hái sản xuất. Quảng Ninh đã và đang trở thành hình mẫu về tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng NTM, cũng đang đi đầu trong triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, vùng nông thôn của TX Đông Triều mang dáng dấp của một miền quê đáng sống. Dẫn chúng tôi đi tham quan dọc các tuyến đường liên xã, liên thôn, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM TX Đông Triều, không giấu được niềm tự hào: Thành quả TX Đông Triều hiện nay có được chính là nhờ sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của bà con nhân dân, chủ thể xây dựng NTM. Bắt đầu từ những việc giản đơn như công tác vệ sinh môi trường, phong trào khuyến học, thể dục thể thao, cho đến những điều lớn hơn như nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch, có hạ tầng khang trang với điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn… Thay đổi được nếp nghĩ lạc hậu của người dân nông thôn thì chất lượng đời sống sẽ chuyển biến tích cực.

Nông dân Quảng Ninh nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nông dân Quảng Ninh nỗ lực làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đúng như lời chia sẻ, những tuyến đường xanh – sạch – đẹp đều có bàn tay, sức lực và tinh thần của người dân nơi đây. Giai đoạn 2010-2020, tổng nguồn lực huy động, đầu tư xây dựng NTM của TX Đông Triều là 31.500 tỷ đồng, trong đó 71% là huy động từ nhân dân và doanh nghiệp. Đến nay, TX Đông Triều đã có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó xã Việt Dân trở thành xã đầu tiên của tỉnh và cả nước đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng NTM. Đông Triều trở thành địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, được các cấp, các ngành biểu dương, ghi nhận đánh giá cao.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Tam nông” luôn là nền tảng quan trọng của nền kinh tế. Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, phát triển bền vững trên cơ sở tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM, phát triển nông thôn gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp, làng văn hóa du lịch. Những giải pháp đó cùng với những thay đổi rõ nét trong tư duy chủ thể của “tam nông” là những nền tảng quan trọng để giai đoạn 2020 – 2025 đảm bảo Quảng Ninh có nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.

Tác giả: Cao Quỳnh