Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại – dịch vụ

Khi đời sống nâng cao, nhu cầu mua sắm của người dân, du khách ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu này, trong những năm qua, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng đầu tư và có sự phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng.

Quảng Ninh huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng thương mại, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân.

Hàng hóa bán tại Go Hạ Long, TP Hạ Long tạo an tâm cho người dân khi mua sắm.
Hàng hóa bán tại Go Hạ Long, TP Hạ Long tạo an tâm cho người dân khi mua sắm.

Trước hết, để thực hiện, tỉnh đã chú trọng đến đầu tư hệ thống giao thông tạo thuận lợi trong giao thương buôn bán. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế… Đến nay, toàn tỉnh có 5.016km tuyến đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường thôn, xóm; 461km đường tỉnh; 480km đường Quốc lộ; 29 tuyến đường thuỷ nội địa cấp quốc gia và 15 tuyến đường thuỷ nội địa do địa phương quản lý…

Đặc biệt, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành 176km đường cao tốc từ đầu đến cuối tỉnh, mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế – xã hội, kết nối đồng bộ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc trong nước…

Bốc xếp hàng hóa tại bãi kiểm hóa cầu Bắc Luân 2. Ảnh Hữu Việt
Bốc xếp hàng hóa tại bãi kiểm hóa cầu Bắc Luân 2. Ảnh: Hữu Việt

Nhờ vậy nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Quảng Ninh: Go Hạ Long (Big C cũ), Lotte, KFC, Điện máy HC, Media mart, Vincom Center (Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái)… Đến nay, toàn tỉnh có 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 88 cửa hàng tiện ích, 26 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP. Trên địa bàn tỉnh còn có 9 cơ sở bán buôn và 268 cơ sở bán lẻ rượu, 32 cơ sở bán buôn và 414 cơ sở bán lẻ thuốc lá, 5 trạm chiết nạp và 534 cửa hàng bán lẻ khí dầu mỏ hóa lỏng, 5 thương nhân đầu mối với 8 thương nhân phân phối cùng 115 doanh nghiệp và 220 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Cùng với đó, thương mại điện tử ở Quảng Ninh đã và đang từng bước phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có 144 website về thương mại điện tử, trong đó có 138 website có chức năng bán hàng, 06 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử; trên địa bàn tỉnh đã có 02 sàn giao dịch địa phương. Các sản phẩm địa phương được bán trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso, Sendo,…

Tỉnh và các địa phương cũng đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp cả 133 chợ truyền thống trên địa bàn.

Siêu thị Vinmart hỗ trợ tiêu thụ na cho thị xã Đông Triều. Ảnh: Minh Đức
Siêu thị Vinmart hỗ trợ tiêu thụ na cho thị xã Đông Triều. Ảnh: Minh Đức

Tận dụng lợi thế biên giới, cửa khẩu, ngoài đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ… tỉnh còn chú trọng phát triển hạ tầng thương mại tại các cảng cửa ngõ, các khu kinh tế cửa khẩu. Hệ thống các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế đã được hình thành thông qua các hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và các khu kinh tế cửa khẩu biên giới đường bộ Móng Cái, Hoành Mô – Đồng Văn, Bắc Phong Sinh. Tỉnh có 5 cảng biển, 1 cảng hàng không và 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng dọc tuyến biên giới đường bộ thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất đã được công bố, có đầy đủ các lực lượng chức năng, được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Quảng Ninh cũng tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kho bãi tại khu vực biên giới phục vụ hoạt động kinh doanh, qua đó góp phần khai thác lợi thế biên mậu, đẩy mạnh hoạt động kinh tế, thương mại, dịch vụ. Hoạt động xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng xuất khẩu chính ngạch, theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Tính đến năm 2021, thị trường xuất nhập khẩu của tỉnh mở rộng lên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Với việc đầu tư hạ tầng thương mại đồng bộ của tỉnh đã tạo cho khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh đạt 56.486 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 17,2%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp trong tỉnh 7 tháng đạt 1.525 triệu USD, tăng 8,23% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.710 triệu USD.

Thu Nguyệt