Trong bối cảnh toàn cầu biến động, lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực và khả quan.
Kinh tế Việt Nam kiên cường “vượt gió ngược”
Ngân hàng HSBC nhận định, trong bức tranh tổng thể khu vực, kinh tế Việt Nam được nhận định là lạc quan thận trọng. Nền kinh tế Việt Nam đã bền bỉ vượt qua khó khăn, tăng trưởng phục hồi, tình hình kinh tế được cải thiện trong quý IV/2023. Với những diễn biến tích cực trở lại, nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức cao hơn.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng ở mức 6%, so với mức dự báo tăng 5,2% trong năm 2023. ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.
Công ty tư vấn McKinsey cho rằng khu vực Đông Nam Á là điểm sáng trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong đó, nhóm tăng trưởng cao gồm Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Về triển vọng, Digital News Asia cho biết Việt Nam có triển vọng trung hạn khả quan. Các biện pháp hỗ trợ chính sách mới có thể đem lại hiệu quả trong nửa cuối năm 2024.
WB khuyến nghị rằng, Việt Nam cần gia hạn chương trình hỗ trợ kinh tế vào năm 2024 để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được triển khai triệt để, thúc đẩy tổng cầu, đồng thời cần nỗ lực khôi phục niềm tin, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Cùng chung nhận định, Bloomberg cho biết, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm nhờ xuất khẩu và sự gia tăng trong sản xuất và đầu tư. Việt Nam là một trong 5 quốc gia nổi lên là những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.
Bloomberg cũng cho rằng, nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành môi trường hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.
Dự báo tăng trưởng mạnh mẽ
Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD và sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu vào năm 2038. Nhận định của CEBR đề cập đến tỷ trọng nền kinh tế, không đề cập đến thu nhập bình quân hay các vấn đề khác.
Theo xếp hạng trên bảng xếp hạng Liên minh kinh tế thế giới, quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo có bước nhảy vọt trong 14 năm tới.
Năm nay, Việt Nam dự kiến ở vị trí 33 trên bảng xếp hạng này, tăng 1 bậc so với 2023. Thứ hạng Việt Nam có thể tăng nhanh và đạt vị trí 24 trong năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038.
Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Đánh giá về kinh tế năm 2023, tổ chức này nhìn nhận Việt Nam tăng trưởng mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp. Tức là chưa phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như nhiều quốc gia khác.
Mức tăng giá tiêu dùng năm 2023 cũng thấp hơn tỷ lệ lạm phát trung bình 10 năm, là 3,8%. Điều này tạo dư địa trong chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm trong năm ngoái giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Mặt khác, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng hàng Việt xuất sang Mỹ tăng gần 2% từ khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang vào năm 2018. Điều này cũng được bổ sung bởi dòng FDI mạnh mẽ từ các nền kinh tế châu Á khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Tốc độ tăng GDP hàng năm được CEBR dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Con số này sẽ là 6,4% trong 9 năm tiếp theo.
Theo CERB, Việt Nam và Philippines là minh chứng nổi bật cho nhóm những quốc gia được mong chờ sẽ cải thiện thứ hạng nhờ định vị lại vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cải cách nội bộ, tăng năng suất lao động, đầu tư công và tư.