Làm giàu từ mô hình kinh tế vườn rừng

Nhiều người ở thôn Tam Hồng, xã An Sinh (TX Đông Triều) biết đến CCB Vũ Quang Hải bởi ông không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, mà còn tiên phong trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.

CCB Vũ Quang Hải, thôn Tam Hồng, xã An Sinh (TX Đông Triều), giới thiệu những cây trà hoa vàng đang đơm nụ.
Những cây trà hoa vàng đang đơm nụ của CCB Vũ Quang Hải được trồng dưới tán cây bạch đàn.

Sinh năm 1957 tại xã An Sinh, tròn 18 tuổi Vũ Quang Hải viết đơn xin nhập ngũ. Hơn 7 năm trong quân ngũ, ông đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Năm 1982, ông phục viên trở về quê sinh sống. CCB Vũ Quang Hải chia sẻ: “Từ khi về địa phương, là đảng viên, tôi được lãnh đạo xã tin tưởng, nhân dân bầu làm Bí thư Chi bộ thôn. Sau đó, tôi làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã. Thời điểm đó, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, cuộc sống đại bộ phận người dân còn khó khăn, thiếu thốn. Gia đình tôi có 6 khẩu với vài sào ruộng, cuộc sống chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa/năm, vụ được mùa thì có ăn, mất mùa thì chịu đói…”.

Năm 1992, Chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ được triển khai để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ông thấy trên địa bàn xã có hàng nghìn ha đất trống đồi trọc bỏ hoang hóa. Bàn tính với vợ, ông Hải nhận 10ha đất trống, đồi trọc của xã, rồi dồn toàn bộ số vốn của gia đình và huy động người thân để mua giống bạch đàn về trồng. Ông Hải cho hay: “Năm 1999, khi rừng bạch đàn cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế, tôi tiếp tục nhận thêm 40ha đất đồi hoang hóa để trồng thêm cây bạch đàn”.

Trên diện tích nhận thêm này, ông đã chuyển đổi cách trồng mới so với cách trồng truyền thống trước đây. Khoảng cách mỗi cây trồng từ 1,5-2,5m; bắt đầu trồng phải bón phân lót để cây có dưỡng chất phát triển. Năm đầu, ngoài bón phân theo tỷ lệ 1ha/tấn, phải phát sạch cỏ để cây phát triển đồng đều, không bị còi cọc, sâu bệnh. Mặc dù chi phí đầu tư lớn, nhưng cánh rừng của ông phát triển nhanh, phủ xanh những ngọn đồi trọc. Ông cho biết, mỗi 1ha bạch đàn trồng với thời gian 7 năm trước đây chỉ thu 20-30 triệu đồng, thì nay lên 100 triệu đồng, vì cây phát triển tốt hơn. Hiện gia đình ông có 50ha trồng cây bạch đàn, trong đó 30ha chuẩn bị cho thu hoạch.

Lúc rảnh, CCB Vũ Quang Hải chăm sóc vườn cây của mình.
CCB Vũ Quang Hải chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Năm 2003, khi dự án trồng rừng Việt – Đức được triển khai ở Quảng Ninh, ông nhận 15,9ha đất tại khu vực Khe Chè. Đây là khu vực đồi cao, hiểm trở, đi lại khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, ông đã đầu tư trồng toàn bộ cây thông tại khu vực này. Hiện rừng đã cho khai thác nhựa thông, được bảo tồn để phát triển du lịch của địa phương.

CCB Vũ Quang Hải còn phát triển trang trại chăn nuôi, trồng cây có giá trị kinh tế cao. Tận dụng diện tích đất rừng sẵn có, ông phát quang dưới tán cây bạch đàn để trồng cây trà hoa vàng. Ông sang huyện Ba Chẽ tìm hiểu, mua 1.000 cây trà hoa vàng, trị giá gần 2 tỷ đồng, để trồng tại trang trại của mình. Sau gần 7 năm trồng, đến nay cây trà hoa vàng của ông đã cho thu hoạch hàng chục kg hoa trà. Ông còn trồng 2ha cây na dai, mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn quả; chăn nuôi hàng trăm con gà, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Với mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, mỗi năm gia đình CCB Vũ Quang Hải thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Ông còn giúp nhiều hội viên CCB trong và ngoài xã kỹ thuật trồng cây trà hoa vàng, phát triển kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà ông còn tích cực tham gia công tác xã hội địa phương, với cương vị Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Ông Đoàn Văn Thuấn, Chủ tịch Hội CCB TX Đông Triều, đánh giá: CCB Vũ Quang Hải là điển hình gương mẫu luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế; tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, được đồng đội, hội viên và nhân dân tin yêu, tín nhiệm.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn