Lợn ỉ Móng Cái là vật nuôi nổi tiếng có sức sống dẻo dai, kháng bệnh cao, ăn tạp, sinh sản tốt, thịt ngon mà lợn ở vùng khác không có được. Giống lợn bản địa này đang được nhiều HTX, doanh nghiệp lưu giữ, lai tạo, nhân giống góp phần mang lại giá trị kinh tế cao.
Vật nuôi quý vùng biên
Lợn ỉ Móng Cái không biết có từ khi nào, nhưng theo nhiều người nông dân nơi đây thì giống lợn này là vật nuôi truyền thống. Đã nhiều năm nghiên cứu, lai tạo, bảo tồn giống lợn ỉ Móng Cái, chị Lê Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh (có trụ sở tại TP Móng Cái) rất am hiểu về giống lợn ỉ Móng Cái. Theo chị Dung, loài vật nuôi này có nguồn gốc hoang dã, phân bố chủ yếu vùng Đông Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, được người dân thuần hóa thành vật nuôi gia đình. Điểm nổi bật của giống lợn ỉ này là có sức đề kháng bệnh rất tốt, rất ít khi bị các bệnh truyền nhiễm từ giống lợn khác, chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt.
Do có nguồn gốc hoang dã nên lợn ỉ Móng Cái không kén chọn thức ăn, chủ yếu ăn rau vườn nhà. Ngoại hình lợn ỉ Móng Cái rất dễ nhận ra: Đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác kéo dài, có cổ khoang chia thân lợn ra làm hai phần: Nửa trước màu đen kéo dài đến mắt, nửa sau màu trắng kéo dài đến vai làm thành một vành trắng đến bụng và bốn chân. Đặc biệt lợn ỉ Móng Cái rất mắn, có thể đẻ đến 25 con/lứa và rất khéo nuôi con. Chả thế mà ở Quảng Ninh, lợn Móng Cái và gà Tiên Yên đã đi vào thành ngữ nói về sự sinh sôi, phồn thực.
Lợn ỉ Móng Cái rất dễ nhận biết nhờ ngoại hình trắng khoang đen. |
Được chị Dung dẫn đi thăm đàn lợn Móng Cái, chúng tôi thấy đàn lợn 10 con như một. Chú lợn nào cũng hồng hào, mập mạp. Cả đàn lợn con quây quần bên mẹ, hiếu động chạy nhảy. Nhìn cảnh đó tôi lại nhớ đến bức tranh đàn lợn âm dương trong tranh Đông Hồ mà ông bà tôi vẫn mua treo trong nhà vào mỗi dịp Tết. Tôi tưởng tượng rằng, ở vùng biên viễn này có nghệ thuật làm tranh dân gian thì chắc hẳn sẽ có những bức tranh về lợn ỉ Móng Cái chẳng thua kém gì đàn lợn âm dương trong tranh Đông Hồ. Dường như đấng tạo hóa lúc sinh ra giống lợn ỉ này đã cử một vị thần yêu hội họa vẽ màu lên thân chúng. Chỉ hai màu trắng đen với những đường lượn thôi nhưng thân thể con lợn ỉ Móng Cái có sự kết hợp rất hài hòa. Sự hài hòa và sinh sôi thì không có cớ gì không là đề tài của nghệ thuật dân gian.
Ngoài hình hài vóc dáng, chất lượng thịt lợn ỉ Móng Cái không lẫn vào đâu được so với nhiều giống lợn thường khác, như: Da mỏng, thịt mềm, ngọt giòn, không ngấy; giàu dinh dưỡng. Từ những đặc tính trên, lợn ỉ Móng Cái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, gần 10 năm trước đây, giống lợn ỉ Móng Cái chủ yếu được người dân các xã Hải Đông, Bắc Sơn, Hải Tiến, Quảng Nghĩa… (TP Móng Cái) nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Nhiều hộ đã đưa giống lợn ỉ Móng Cái lai tạo với các giống lợn khác dẫn đến nguy cơ lai tạp không thuần chủng giống lợn ỉ bản địa. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển giống lợn ỉ Móng Cái sẽ mang lại nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Lợn ỉ tại trang trại của Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh. |
Khẳng định giá trị, vươn ra thị trường
Biết đến con lợn ỉ Móng Cái từ năm 2010, chị Lê Thị Thúy Dung đã bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu để bảo tồn, phát triển giống lợn này với quy mô bài bản. Chị Dung chia sẻ: “Thời điểm khi bắt tay vào tìm hiểu giống lợn ỉ Móng Cái tôi gặp rất nhiều khó khăn, do số người nuôi ít, tập trung ở trong dân nên tôi trực tiếp tìm hiểu tài liệu, nghiên cứu đặc tính để tìm lựa chọn giống bố, mẹ chuẩn nhất để lai tạo thành giống thuần chủng. Năm 2012, tôi thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh nhằm hướng đến phát triển đàn lợn giống bố, mẹ, hoàn thiện chuỗi liên kết trong sản xuất hướng đến thị trường xuất khẩu”.
Chị Lê Thị Thúy Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, kiểm tra bảng ghi chép trên chuồng nuôi. |
Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh có một trang trại tại thôn 10, xã Hải Đông (TP Móng Cái) rộng 1ha. Ở đây, lợn ỉ giống từ 1 tháng tuổi trở lên được tách mẹ nuôi ở khu riêng; lợn bố mẹ được đánh số ở tai, ghi các thông số tại bảng biểu cửa chuồng để thuận lợi trong chăm sóc, quản lý cũng như tránh nhầm lẫn trong việc phối trộn. Lợn Móng Cái là vật nuôi quen với đời sống hoang dã nên Công ty nuôi theo cách bán công nghiệp với thức ăn có sẵn trộn với men vi sinh, cám ngô.
Mẹ con đàn lợn ỉ Móng Cái quây quần. |
Hiện nay trang trại của Công ty đang đầu tư cải tạo mở rộng trên diện tích 1.800m2 đáp ứng nuôi 500 lợn bố mẹ. Năm 2017, Công ty đã nuôi 6.000 con giống, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng. Từ năm 2018, sau khi Công ty mở thêm trang trại tại xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) và huyện Hải Hà thì số lượng lợn đã tăng lên gấp đôi với 1,2 vạn con lợn ỉ giống. Bắt đầu từ Tết Nguyên đán năm 2018, Công ty có sản phẩm làm từ thịt lợn ỉ Móng Cái giới thiệu đến người tiêu dùng như: Bánh chưng, giò lụa, xúc xích, lạp sườn… Năm 2018, Công ty của chị Dung xuất chuồng hơn 200 tấn thịt lợn thương phẩm, tổng doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng.
Đàn lợn ỉ Móng Cái của HTX Nông nghiệp Hữu cơ An Lộc được nuôi theo cách bán tự nhiên. |
Còn tại HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) tập trung phát triển giống lợn ỉ Móng Cái cung cấp sản phẩm cho thị trường Móng Cái. Chị Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX, cho biết: Do giống lợn ỉ Móng Cái có nhiều ưu điểm nên các thành viên HTX lựa chọn giống lợn này để phát triển. Từ đặc tính của giống lợn hoang dã HTX đang duy trì nuôi theo cách chăn thả tự nhiên, cho lợn ăn một số loại cây dược liệu để tăng giá trị cho thịt khi xuất ra thị trường. Hiện, giá thịt lợn ỉ Móng Cái là 80.000 đồng/kg. Đến nay, HTX nuôi khoảng 1.600 con lợn ỉ các loại.
Sản phẩm ruốc, giò, chả được làm từ thịt lợn ỉ Móng Cái của HTX giò, chả Quang Dần. |
Là đơn vị nhập sản phẩm thịt của HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc, bà Bùi Thị Dần, thành viên của HTX giò chả Quang Dần (TP Móng Cái) cho biết: Do thịt lợn ỉ Móng Cái ngon nên mỗi ngày tôi nhập 20kg thịt lợn của HTX Nông nghiệp hữu cơ An Lộc để sản xuất các sản phẩm ruốc, giò, chả… Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Các sản phẩm thịt và làm từ thịt lợn ỉ Móng Cái trưng bày giới thiệu tại Hội chợ OCOP Khu vực phía Bắc Quảng Ninh năm 2018, được đông đảo du khách tìm mua. |
Để bảo tồn, phát triển giống lợn ỉ Móng Cái này, theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế (TP Móng Cái), thành phố đang tập trung xây dựng chuỗi cho lợn ỉ Móng Cái từ khâu chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, Móng Cái đang tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước cũng như quốc tế, để các sản phẩm từ lợn ỉ Móng Cái chiếm lĩnh thị trường, trở thành thế mạnh của thành phố.
theo Dương Trường