Thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Quảng Ninh không chỉ được tập trung thực hiện ở địa bàn thành thị, mà đang phủ rộng đến cả vùng nông thôn, vùng sâu, xa của tỉnh.
Gần 2 năm nay, ông Hoàng Văn Quyền (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Quyền cho biết: Gia đình tôi chủ yếu làm nông nghiệp, tôi có buôn bán thêm hải sản, chủ yếu là hàu. Ngoài bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, tôi còn xuất hàng đến các tỉnh khác. Bởi vậy, việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận tiện rất lớn trong giao dịch. Hiện các thành viên trong gia đình tôi khi đi mua, bán hàng chủ yếu sử dụng bằng chuyển khoản, quét mã QR, rất ít khi sử dụng tiền mặt.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hường (phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà), việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện dụng. Tuy nhiên, do thời gian qua tình trạng lừa đảo trên mạng rất nhiều, trong đó có cả việc nhấp vào đường link lạ là mất tiền trong tài khoản, nên cũng gây tâm lý lo lắng cho người dân khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi vậy, bà Hường rất mong công tác đảm bảo an toàn đối với tài khoản trong ngân hàng được tăng cường hơn.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, hạ tầng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh, với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích, như: Chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, dùng tài khoản viễn thông thanh toán, sử dụng mã QR, ví điện tử… Điều này đã phục vụ đắc lực và đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong mua bán, trao đổi hàng hóa; sử dụng các dịch vụ…
Tính đến cuối tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh có 82 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thanh toán qua Internet, 52 TCTD thanh toán qua kênh điện thoại di động và 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động trên thị trường.
So với cùng kỳ năm 2022, trong 7 tháng năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,19% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng và 4,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng và 8,79% về giá trị. Còn qua phương thức QR code tăng 124,15% về số lượng và 16,12% về giá trị; qua POS tăng 25,24% về số lượng và 23,97% về giá trị…
Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được các đơn vị chú trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu NSNN… Hiện người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Đến nay, có trên 61% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đạt được một số kết quả tích cực, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đến cuối tháng 4/2023, có gần 3,95 triệu tài khoản Mobile Money được mở, trong đó hơn 2,73 triệu tài mở ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; đạt hơn 26,17 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.683 tỷ đồng.
Để đảm bảo hạ tầng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia… thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vận hành hệ thống đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác.
Những kết quả từ thanh toán không dùng tiền mặt mang lại không chỉ tạo tiện tích cho người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy ổn định, phát triển kinh tế – xã hội.