Người nông dân và cơ hội làm giàu

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế – xã hội mà thông qua đó đã tạo cơ hội cho người nông dân làm giàu trên chính đồng ruộng của gia đình mình mang lại cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc hơn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự mang lại dấu ấn ở khắp các vùng nông thôn của Quảng Ninh. Cơ sở hạ tầng kinh tế ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và người nông dân đã thực sự có bước tiến dài về thay đổi nhận thức, tư duy. Kinh tế nông thôn của Quảng Ninh đến nay có bước phát triển khá tích cực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt trên 50 triệu đồng/người, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2010 và nhiều địa phương cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa và các sản phẩm hàng hóa chủ lực được ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị.

Trang trại gà của HTX Tuyền Huyền (Đầm Hà).
Trang trại gà của HTX Tuyền Huyền (Đầm Hà).

Là địa phương miền núi, diện tích đất sản xuất, canh tác nông nghiệp không nhiều, nhưng trong những năm gần đây, huyện Đầm Hà đã và đang dần hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh các loại cây trồng, vật nuôi cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ một hộ thôn chăn nuôi gà nhỏ lẻ, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền, Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà đã chuyển đổi áp dụng mô hình mới và trở thành một trang trại gà lớn của xã, của huyện.

Khởi đầu cho bước chuyển biến về tư duy sản xuất, kể từ khi anh Tuyền được xã vận động tham dự các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp. Ngay khi có kiến thức, anh Tuyền nhận thấy nhu cầu về con giống có chất lượng cao ngay tại địa phương là rất lớn. Anh đã mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng số vốn 1 tỷ đồng để thực hiện ước mơ làm giàu từ giống gà bản địa.

Từ đồng vốn vay, anh Tuyền quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, đồng thời, chủ động tham khảo, học hỏi khắp nơi về công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, thiết kế chuồng trại, ứng dụng máy móc công nghệ… để đưa vào sản xuất chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, trang trại gà của gia đình anh đã mở rộng quy mô sản xuất và thành lập Hợp tác xã Tuyền Huyền, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.

Anh Tuyền chia sẻ: Hợp tác xã Tuyền Huyền không chỉ cung cấp gà giống bản địa Đầm Hà cho các hộ nuôi trên địa bàn với số lượng hàng chục nghìn con, hợp tác xã còn là cánh tay nối dài đồng hành cùng các hộ nông dân trên địa bàn xã để liên kết, bao tiêu các sản phẩm; đồng thời trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng trừ dịch bệnh, cách thức chăm sóc và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Từ liên kết với gần 100 hộ dân trong thôn, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 150 tấn/năm gà thịt thương phẩm chất lượng cao. Trừ chi phí, hợp tác xã và các hộ gia đình đã thu lãi trên 5,8 tỷ đồng/năm.

Mô hình bí xanh của gia đình chị Từ Thị Cúc, thôn Nà Bấc, xã Đông Hải (Tiên Yên).
Mô hình bí xanh của gia đình chị Từ Thị Cúc, thôn Nà Bấc, xã Đông Hải (Tiên Yên).

Sau nhiều năm bỏ hoang thì giờ đây gia đình chị Từ Thị Cúc, thôn Nà Bấc, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên đã cải tạo lại ruộng đất để trồng cây bí xanh. Theo đó, ngày đầu gia đình chị Cúc tiến hành trồng thử cây bí xanh trên một phần diện tích đất của gia đình. Sau hơn 2 tháng, vườn bí nhà chị đã cho thu hoạch và lãi được hơn 10 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Từ số tiền lãi của vụ đầu tiên, cộng với được cán bộ xã chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình chị Cúc quyết định đầu tư thay thế giàn tre trước đó bằng giàn ống sắt và mở rộng thêm diện tích trồng cây bí xanh. Đến nay trung bình mỗi năm gia đình chị Cúc đã canh tác được 3 vụ bí xanh trên năm. Trừ mọi chi phí gia đình chị cũng có lãi lên tới gần trăm triệu đồng.

Người dân thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu) đóng gói sản phẩm miến dong.
Người dân thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu) đóng gói sản phẩm miến dong.

Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm như làn gió mới giúp người nông dân Bình Liêu tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, trong đó phải nói tới hiệu quả kinh tế của cây dong riềng. Bởi trước đây, loại cây dong riềng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu hộ gia đình. Nay cây dong riềng đã dần trở thành loại cây trồng mang lại sự giàu có và cơ hội làm giàu của người nông dân vùng đồng bào dân tộc huyện Bình Liêu…

Có thể khẳng định, sự bền vững và khát vọng làm giàu của người nông dân Quảng Ninh đang ngày hiện hữu bởi các sản phẩm nông nghiệp của họ đã dần hình thành chuỗi giá trị kết nối từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Nhiều vùng chuyên canh đã phát huy và thay thế dần các hộ nông dân nhỏ lẻ bằng các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác quy mô lớn gắn kết với thị trường. Đây chính là cơ hội để người nông dân biến thách thức thành cơ hội, và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh sống.

Phạm Hải