Nông nghiệp Đông Triều: Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số

Nhận thấy chuyển đổi số là chìa khóa mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, thời gian qua, TX Đông Triều đã có những thay đổi, bứt phá để bắt kịp xu thế, đưa số hóa vào từng cánh đồng, khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng và tính minh bạch của sản phẩm.

Việc sản xuất tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh đã được áp dụng quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân, đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm.

Tháng 1/2022, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh (xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều) đã chính thức được Chính phủ ký Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động. Với tổng diện tích trên 100ha, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này đã được Tập đoàn Vingroup đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà kính trồng các loại rau, củ, quả theo quy trình VietGAP. Các mô hình đều ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ cao và áp dụng quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân, đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Trong thời gian tới, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này sẽ thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp, đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây cũng là nơi đóng vai trò là hạt nhân công nghệ chuyển giao cho các vùng sản xuất tập trung trong và ngoài thị xã.

Lãnh đạo TX Đông Triều kiểm tra thực tế mô hình rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 tại phường Mạo Khê.

Ngoài mô hình trên, hiện TX Đông Triều cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Điển hình, như Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (phường Mạo Khê), theo chia sẻ của bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty: Là đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đơn vị đã sớm nhận thấy sức mạnh của công nghệ số và ứng dụng công nghệ IoT (internet vạn vật). Theo đó, Công ty đã đầu tư thiết bị cảm ứng nhiệt độ, bón phân cho cây trồng tự động hóa, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, các sản phẩm nông nghiệp của Công ty đều đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. 

Giữ vai trò là vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, ngoài thuận lợi về diện tích, người nông dân Đông Triều còn tích lũy nhiều kiến thức, kỹ thuật cao trong trồng trọt, chăn nuôi từ nhiều năm sản xuất thực tế. Phần lớn đã trở thành chuyên gia trên đồng ruộng, có khả năng tự cập nhật kiến thức và mạnh dạn ứng dụng vào thực tế các giống mới và quy trình sản xuất mới để sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như: Mô hình trồng nho, hoa, chăn nuôi gà lai Indonesia kết hợp du lịch tại ngã ba nông trường Bình Khê của Hợp tác xã Xuân Viên do anh Nguyễn Văn Duy làm chủ. Đây là một điển hình về việc chuyển đổi số trong nông nghiệp của thị xã. Ngay từ khi bắt tay làm mô hình, anh Duy đã kết hợp với các viện của Bộ NN&PTNT để đưa những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào sản xuất.

Mô hình trồng nho trong nhà màng của Hợp tác xã Xuân Viên (xã Bình Khê) đang được triển khai đầu tư, lắp đặt.

Còn đối với cây na, loại cây trồng chủ lực của thị xã, người dân đã làm chủ các kỹ thuật thụ phấn cho hoa, điều tiết quả, chủ động về thời điểm cho cây ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch. Nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhiều hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn TX Đông Triều cũng đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm… để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước lên các sàn giao dịch điện tử hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Tháng 4 vừa qua, Đông Triều cũng là địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh chính thức đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Do được lập trình và điều khiển từ xa nên thiết bị tự động phun thuốc trừ sâu đối với tất cả các loại cây trồng, kể cả lúa, hoa màu và các loại cây ăn quả khác. Thiết bị bay không người lái này có năng suất rất cao, mỗi ngày có thể phun được từ 70-80ha cây trồng các loại (bằng năng suất làm việc của 40 nhân công trên cùng một diện tích). Ứng dụng công nghệ này, người nông dân còn tiết kiệm được 30% chi phí cho thuốc trừ sâu, 90% lượng nước và quan trọng hơn nữa là bảo vệ sức khỏe người nông dân, không bị ảnh hưởng trực tiếp do thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng chú ý khi đây là thiết bị được Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp thị xã tự đầu tư để làm dịch vụ cho các hộ dân, từ đó nâng cao nhận thức của nông dân trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, những điểm sáng ứng dụng công nghệ nêu trên đã từng bước thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, giảm nhân công, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của Đông Triều.

Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp thị xã đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.

Với quyết tâm đưa số hóa vào từng cánh đồng, khu sản xuất và là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp, tháng 4/2022, thị xã đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phát triển chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số…

Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều khẳng định: Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân sản xuất ra nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra với giá cao nhất. Do đó, thị xã xác định chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số, nên các bước đi trong chuyển đổi số phải làm ngay nhưng theo hướng chắc chắn, thận trọng, không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số.

Hoàng Nga