Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh

Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đây là hướng đi đúng đắn để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, đa dạng về hình thức và cấp độ, qua đó, từng bước tạo được nền tảng vững chắc để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, phát triển bền vững và tiếp tục tạo nên những thành công mới.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Hiện nay, nhiều hoạt động chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đã được tỉnh thực hiện, áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm, phát triển vùng cây ăn quả tập trung tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên; phát triển các trung tâm sản xuất giống công nghệ cao về cây lâm nghiệp ở Quảng Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; tôm, cá biển ở Móng Cái, Đầm Hà; nhuyễn thể ở Vân Đồn; thủy sản nước ngọt ở Đông Triều, Quảng Yên…

Cùng với đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công tác chuyển giao, chuyển đổi giống mới, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản cũng được thực hiện đồng bộ. Hiện toàn tỉnh đã có 1.070ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bao gồm: 150,1ha lúa và 79,7ha rau các loại; 32,77ha chè, 311ha na, 395ha vải, 51,5ha cây có múi; 329ha quế, 45ha lúa rươi.

Các hình thức liên kết, tổ chức tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người sản xuất cũng ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, phát triển được 40 chuỗi liên kết sản phẩm ở các địa phương, với sự tham gia của 26 HTX; đã thực hiện phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân/tổ chức và duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm các loại.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong xu thế mới.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong xu thế mới.

Để đưa ngành nông nghiệp Quảng Ninh từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại, tỉnh đã đặt ra các giải pháp chiến lược và bền vững. Trong đó, sẽ tập trung vào phát triển các mô hình luân canh, sản xuất kinh doanh tổng hợp trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở sản xuất tôm giống; tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng phát triển tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia và an ninh, an toàn trong vùng biển quốc tế; tiếp tục phát triển, hình thành các trang trại trong chăn nuôi quy mô lớn và vừa; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh; cấp mã vùng sản xuất; phát triển các vùng sản xuất hàng hoá theo nhóm trục sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương; xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các hàng rào kỹ thuật tiến tới xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, nhất là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý…

Ngoài các giải pháp trên, hiện các sở, ngành, địa phương liên quan đang tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa các loại. Tới nay, toàn tỉnh trồng mới được 40.100ha rừng, trong đó trồng mới trên 2.500ha lim, giổi, lát; duy trì độ che phủ rừng đạt 55%. Đồng thời, tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao…

Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông nghiệp thực sự cần thiết, cấp bách; các công trình về giáo dục, y tế, giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 367/458 thôn đạt chuẩn NTM, 80% số hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn của Bộ Y tế, thu nhập bình quân của người dân đạt 92,2 triệu đồng/người/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người nông dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc.

Hoàng Quỳnh