Phát triển sản phẩm OCOP ở các huyện miền núi

Sau 10 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng miền núi, dân tộc thiểu số của tỉnh. Nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.

Công ty TNHH TMDV và XNK Quy Hoa (huyện Hải Hà) chế biến Trà hoa vàng trên dây chuyền hiện đại nhằm giữ nguyên màu sắc và mùi vị tự nhiên của trà.

Năm 2013, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, huyện Bình Liêu chỉ có 4 sản phẩm tham gia OCOP, gồm: Tinh dầu hồi, Mật ong Bình Liêu, Trà Lan kim tuyến và Rượu thảo dược Lục Hồn. Các sản phẩm này đều đóng gói rất sơ sài, chưa được người tiêu dùng biết đến. Để nâng tầm nông sản địa phương, huyện Bình Liêu đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại; thường xuyên củng cố, rà soát nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của các đơn vị tham gia chương trình; tích cực hướng dẫn, khuyến khích các HTX đăng ký phát triển sản phẩm mới. Nhờ đó, chương trình OCOP đã đạt kết quả tích cực. Các đơn vị tham gia chương trình đã có ý thức hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm. Các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phát triển, có nhiều HTX mới được thành lập, từng bước trưởng thành, phát huy hiệu quả thực chất.

Qua 10 năm thực hiện chương trình, đến nay, huyện Bình Liêu đã có 13 tổ chức tham gia OCOP, với 28 sản phẩm, trong đó có 16 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao.

Ông Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, tập trung. Chương trình đã tạo điều kiện để Bình Liêu sớm về đích NTM. Năm 2023, Bình Liêu phấn đấu phát triển mới ít nhất 2 sản phẩm trở lên; có thêm 3 sản phẩm mới đạt từ 3 sao, 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Sản phẩm miến dong Bình Liêu tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2023 thu hút đông người dân đến mua.

Tại huyện Ba Chẽ, để thúc đẩy chương trình OCOP, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình; khuyến khích các tổ chức kinh tế không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, mạnh dạn nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới. Để khuyến khích thành lập các tổ chức OCOP, từ năm 2017 đến nay, huyện Ba Chẽ đã bố trí 250 triệu đồng hỗ trợ thành lập mới 10 HTX theo quy định. Huyện còn huy động được các nguồn vốn khuyến nông trung ương, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển 2 loại cây dược liệu quý của địa phương là Ba kích tím và Trà hoa vàng với tổng kinh phí 880 triệu đồng.

Mặt khác, Ba Chẽ cũng đẩy mạnh phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Với cách làm bài bản, đến nay, huyện Ba Chẽ đã phát triển được 14 sản phẩm OCOP, tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống, với 100% sản phẩm đều được đánh giá cao, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Trong đó có 5 sản phẩm được chế biến từ ba kích và trà hoa vàng. Đây cũng là nhóm sản phẩm được huyện Ba Chẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.

Hiện nay, Quảng Ninh đã có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 336 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao, gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và 246 sản phẩm đạt 3 sao. Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số áp dụng trong việc tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản của địa phương, đến nay, đã có 256 sản phẩm OCOP của tỉnh từ 3 đến 5 sao (đạt 76%) được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.

Điều đáng mừng, trong các sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao ở nhóm sản phẩm khác nhau thì có rất nhiều sản phẩm ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ… Đây được xem như một bước đột phá, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Minh Yến