Phụ nữ Ba Chẽ làm OCOP

Là một huyện còn khó khăn của Quảng Ninh nhưng Ba Chẽ lại có tiềm năng dồi dào về sản vật núi rừng. Nếu như trước đây, người dân Ba Chẽ nói chung, phụ nữ nói riêng, chưa nhận thấy hết được những thế mạnh của địa phương để thay đổi cuộc sống, thì nay, với suy nghĩ mới, cùng bàn tay lao động cần cù, những người phụ nữ nơi đây đã có thể ổn định kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo từ chính những sản phẩm OCOP của quê hương.
Một góc vườn cây trà hoa vàng của chị Đinh Thị Hiền
Một góc nhỏ trong vườn trà hoa vàng của chị Đinh Thị Hiền.

Chúng tôi tới nhà chị Đinh Thị Hiền (thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ), khi mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, giữa cái nắng ban trưa như đổ lửa. Đón chúng tôi là một người phụ nữ trung niên có thân hình rắn rỏi, nước da bánh mật, khỏe khoắn. Trong nhà, bình nước trà hoa vàng đã chờ sẵn, nhanh tay rót nước tiếp những vị khách từ xa đến, chị Hiền đon đả: Lá trà hoa vàng tốt cho sức khỏe lắm. Tôi vẫn đun trà này cho cả nhà uống quanh năm, đang trời nóng mà các bác uống là dễ chịu ngay.

Nhấp ngụm nước lá trà hoa vàng, cảm giác thanh mát ngấm ngay, cái nóng trong chúng tôi như tan biến. Nghe câu chuyện phát triển cây trà hoa vàng của gia đình chị Hiền, chúng tôi muốn được “mục sở thị” ngay khu vườn đồi với loại cây quý mà chị đã dày công sức để gây dựng. Cách ngôi nhà anh chị ở không xa, khu vực vườn đồi với khoảng 200 gốc trà hoa vàng đang lên xanh tốt.

Hái lá trà đem bán mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình chị Đinh Thị Hiền
Lá trà hoa vàng mang lại nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình chị Đinh Thị Hiền.

Chị Hiền cho hay, trước đây gia đình nghèo lắm, cả 4 người trú ngụ trong căn nhà tranh vách đất lụp xụp, trời mưa thì dột, lắm lúc ôm con nhỏ chạy hết góc này sang góc kia mà không tránh được ướt. Kinh tế gia đình không có, đất rừng có nhưng không biết cách làm, chỉ trồng keo, 5 năm mới được thu hoạch. Lúc đó con nhỏ, chị Hiền không đi làm được, nên kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tiền công đi làm thuê của chồng. Nhiều năm gia đình chị cũng trồng ngô, nhưng hiệu quả đem lại không cao, cái nghèo cứ đeo đuổi mãi…

Được chị em trong Hội Phụ nữ xã và huyện tuyên truyền, chị Hiền mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình trồng trà hoa vàng. Các gốc trà ở đây đều là nguồn cây giống từ chương trình hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo của huyện Ba Chẽ năm 2017 do Hội LHPN tỉnh và Quỹ Khuyến khích phụ nữ phát triển của TP Uông Bí phối hợp thực hiện. Năm đó, mỗi phụ nữ nghèo trong thôn được hỗ trợ 100 gốc trà hoa vàng để phát triển kinh tế. “Không chỉ được cho cây giống, mỗi người còn được hỗ trợ 1 triệu đồng, 1 tạ phân bón và thuốc trừ sâu, nên chúng tôi vui lắm, càng thêm quyết tâm trồng và nhân giống thật nhiều loại cây có giá trị này” – chị Hiền chia sẻ.

Sau 2 năm chăm bón, dành mọi tâm huyết cho cây trà hoa vàng, giờ thì hàng ngày gia đình chị đã có nguồn thu từ việc tỉa lá trà mang bán. Mỗi cân lá trà hoa vàng được bán với giá 60.000-80.000 đồng, chủ yếu bán cho khách đem xuống thành phố và các gia đình thu mua làm trà, một sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Ba Chẽ.

Những cây trà hoa vàng đang nhú nụ, hứa hẹn những mùa hoa trà bội thu
Những cây trà hoa vàng đang nhú nụ, hứa hẹn mùa hoa bội thu.

Chỉ cho chúng tôi những cây trà đang lên tốt lá, chị Hiền say sưa kể về kỹ thuật trồng trà hoa vàng: Cây trà hoa vàng trồng không như các loại cây khác đâu. Lúc đầu tôi định thử trồng mà không được, cây còi cọc, không mang lại hiệu quả. Sau khi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trà hoa vàng, tôi mới biết loại cây này lúc trồng phải được cắm theo chiều thẳng đứng vào chỗ đất đã đào hố, đổ nước cho mềm. Cây chỉ ưa bóng mát, đất trống, đồi trọc, khô cằn quá thì cây còi, không phát triển được, lá cũng không xanh.

Gương mặt phấn khởi, giọng nói hào hứng của người phụ nữ người dân tộc Dao này khiến chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu mà chị dành cho loại cây quý của quê hương. 

Từ một người phụ nữ nhọc nhằn với ruộng nương khô cằn, giờ đây chị Hiền đã có thể làm chủ kỹ thuật trồng trà hoa vàng, thậm chí tự chiết cành để nhân giống cây. Dự tính, sẽ có khoảng 700 cây được nhân giống để mở rộng vườn trà hoa vàng của gia đình, tăng thêm thu nhập. Không giấu được niềm vui, chị Hiền khoe: Cái cây này bây giờ nó ý nghĩa với chúng tôi lắm, vừa có thu nhập cho cả nhà, cho con cái ăn học, mua sắm những món đồ dùng cho gia đình, mình lại vừa phát triển được sản phẩm OCOP của địa phương. Được chính quyền và chị em trong Hội Phụ nữ tuyên truyền, tôi càng cố gắng để làm, mở rộng diện tích trồng nhiều cây hơn nữa. 

Chị Lý Thị Tám với đồi tre mai
Chị Lý Thị Tám lên đồi thu hoạch măng mai.

Chia tay chị Hiền với cây quý trà hoa vàng, chúng tôi đến thăm chị Lý Thị Tám (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc), một người phụ nữ dân tộc Dao cũng đang nỗ lực làm giàu với những sản vật của núi rừng Ba Chẽ. Từ xa, chúng tôi thấy những bụi tre mai cao vút được trồng xen giữa khoảnh rừng sa mộc thẳng tắp. Với lợi thế đất đồi và vốn đầu tư không cao, không mất quá nhiều công chăm sóc, nên cây tre mai được bà con xã Đồn Đạc trồng từ nhiều năm nay.

Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Tám không tự ti, không khuất phục trước cái nghèo. Từ 50 gốc tre được hỗ trợ năm 2015 theo chương trình của Hội Phụ nữ huyện Ba Chẽ và nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, sau 4 năm, chị Tám đã phát triển hàng trăm gốc tre mai, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Ngồi nhà mới khang trang của gia đình chị Lý thị Tám
Ngôi nhà mới khang trang của gia đình chị Lý Thị Tám.

Vượt con suối nhỏ với dòng nước mát lạnh, qua ruộng lúa xanh ngắt là ngôi nhà khang trang mới xây của gia đình chị Tám, phía xa xa, đồi tre mai rợp bóng. Bắt tay niềm nở chào chúng tôi, chị Tám vui vẻ cho biết: Từ khi được lựa chọn là sản phẩm OCOP, măng mai Ba Chẽ bán được giá hơn rất nhiều, lắm lúc nhà tôi thu hoạch không đủ để bán. Thế nên, người trồng tre mai chúng tôi phấn khởi vô cùng!

Măng mai thu hoạch quanh năm, nhưng thường rộ từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Một cân măng tươi được bán với giá 10.000-12.000 đồng, giá một cân măng khô là 360.000 đồng. Mỗi năm, nguồn thu từ măng mai đem lại cho gia đình chị Tám hàng chục triệu đồng, giúp gia đình chị có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống. Đó cũng là động lực để chị Tám quyết tâm mở rộng diện tích trồng tre mai trong những năm tới. Hiện tại, gia đình chị là hộ trồng nhiều cây tre mai nhất trong thôn Tàu Tiên.

Chị Tám vui mừng khoe chúng tôi thành quả mà chị trồng được
Chị Lý Thị Tám vui mừng khoe thành quả măng mai trồng được.

Măng mai sau khi được các xưởng sản xuất thu mua từ các hộ dân sẽ được chế biến thành măng khô, măng muối chua, là những sản phẩm OCOP rất được ưa chuộng trong các kỳ hội chợ “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh. Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, măng mai Ba Chẽ được coi là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ như chị Tám.

Măng mai muối ớt
Măng mai muối ớt Ba Chẽ là món ăn được nhiều người ưa chuộng.

Chị Vũ Thị Hoài, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ, chia sẻ với chúng tôi, mặc dù không ngại khó, ngại khổ, nhưng việc thiếu vốn, chưa biết cách áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quy mô hạn chế, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang là những hạn chế của các mô hình sản xuất sản phẩm OCOP của phụ nữ tại địa phương. Do đó, phụ nữ Ba Chẽ vẫn đang tiếp tục cần sự hỗ trợ và nhất là sự mạnh dạn hơn nữa để phát triển kinh tế. Trong đó, làm giàu từ sản phẩm OCOP vẫn sẽ là hướng đi thiết thực để thoát khỏi cái đói, cái nghèo, có của ăn của để, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn; góp phần tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm OCOP để làm giàu cho quê hương.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn