Quảng Ninh nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại

Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, từng bước trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu, cửa ngõ giao thương trong nước và quốc tế.

Người dân mua sắm tại siêu thị BigC Hạ Long
Người dân mua sắm tại siêu thị BigC Hạ Long.

Cuối tháng 6/2019, Tập đoàn Vingroup đã khai trương Trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Plaza Móng Cái với tổng diện tích 15.000m2 tại TP Móng Cái. Đây là TTTM Vincom thứ 3 tại Quảng Ninh (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái). Vincom Plaza Móng Cái đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khu vực Móng Cái, đồng thời góp phần hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy khu kinh tế cửa khẩu. Trước đó, trong tháng 5/2019, Circle K Việt Nam đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP Hạ Long. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế mở cửa liên tục 24/7, phục vụ đa dạng các sản phẩm. Hiện toàn tỉnh đã có 4 cửa hàng Circle K, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh tiến độ thi công, chuẩn bị cho việc đưa vào hoạt động TTTM Vincom tại TP Cẩm Phả. Tập đoàn Central Group từng bước triển khai đầu tư dự án TTTM BigC tại Cẩm Phả.

Toàn tỉnh hiện có 6 TTTM, 27 siêu thị và 51 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động ổn định. Hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại, thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ.

Bà Lê Thị Hoàng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Đây là lần thứ 2 tôi đến Hạ Long du lịch và rất hài lòng bởi không chỉ có cảnh đẹp, điểm vui chơi phong phú, người dân thân thiện mà còn có dịch vụ thương mại đồng bộ, hiện đại, văn minh. Trong đó, hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuận tiện, đa dạng, rộng khắp, tạo điều kiện cho khách du lịch như chúng tôi mua sắm dễ dàng.

Circle K Việt Nam đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP Hạ Long. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế mở cửa liên tục 24/7 phục vụ đa dạng các sản phẩm.
Cửa hàng tiện lợi Circle K Việt Nam mở cửa liên tục 24/7 phục vụ đa dạng các sản phẩm.

Phát huy lợi thế của một tỉnh biên giới, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung phát triển dịch vụ thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa, từng bước trở thành cửa ngõ giao thương Việt Nam – Trung Quốc – ASEAN. Trong đó, bằng nhiều nguồn lực, hạ tầng thương mại khu vực biên giới được đầu tư đồng bộ, nhất là giao thông, nhằm đảm bảo cho việc thông thương, vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Cụ thể như: Nâng cấp cửa khẩu Bắc Luân I, xây dựng cầu Bắc Luân II và đường dẫn; nâng cấp đập tràn cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; nâng cấp QL18; đấu nối đường giao thông từ QL18 vào khu bến bãi Km3+4; nâng cấp QL18C (đoạn từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh)…

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XNK, thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển như: Cho phép thương nhân tham gia hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan hải quan, nhóm mặt hàng không thuộc danh mục các mặt hàng có điều kiện thì không cần thực hiện đăng ký với UBND tỉnh, chuyển làm thủ tục tái xuất hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng hóa xuất khẩu từ điểm kiểm tra hàng hóa trên sông Lục Lầm ra sông biên giới Bắc Luân đi Trung Quốc… Song song với đó, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM tại Chi cục Hải quan cảng Cái Lân và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái; “chế độ thông quan hẹn trước” và nghiệp vụ “thẩm định kết quả trước thời hạn” tại cầu Bắc Luân II; cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và một cửa ASEAN (ASW); áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với cấp giấy chứng nhận xuất xứ…

Quảng Ninh còn là một trong số các địa phương tiên phong trong việc xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ năm 2016 đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại. Đặc biệt, Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh đang quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ 130 sản phẩm OCOP. Sàn đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp hiện nay, như: Giao hàng nhanh – GHN Express, giao hàng Vietel, VNPT… Đồng thời, thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như: Lazada, shopee, fado, tiki… tạo thuận lợi cho khách hàng. Hiện sàn giao dịch có trên 10.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Để tạo động lực cho dịch vụ thương mại phát triển, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, ban hành chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy dịch vụ thương mại nói riêng và dịch vụ nói chung của tỉnh phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp vào năm 2020.

Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com