Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 54-55 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0-3,5%. Chính vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2024, toàn ngành đã đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản với những kết quả đáng mừng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu 3,72 tỷ USD; xuất siêu 1,43 tỷ USD tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Khởi sắc từ nhiều ngành hàng
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất nông nghiệp trong tháng 1/2024 tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Một số ngành có sự tăng trưởng mạnh như thủy sản với sản lượng tháng 1 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 590,1 nghìn tấn; chăn nuôi lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 1 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm 2023. Sự tăng trưởng trong sản xuất đã tạo ra nguồn cung hàng nông sản dồi dào, là bệ đỡ quan trọng để xuất khẩu gia tăng kim ngạch.
Ngay từ tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đã đạt mức tăng cao nhờ tất cả các nhóm hàng đều tăng, như: Lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Có thể thấy, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm 2023 như thủy sản, lâm nghiệp… đều đang có mức tăng trở lại trong tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2024, thị trường Mỹ và châu Âu vẫn chưa tăng trưởng mạnh, đòi hỏi ngành thủy sản cần tập trung mở rộng khai thác đa dạng thị trường, khu vực khác nhau.
Thí dụ, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong năm 2023, đạt 152,35 nghìn tấn, trị giá 799,9 triệu USD, chiếm 13,5% tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc. Như vậy, dư địa cho thủy sản Việt Nam vào thị trường này còn khá rộng, nhất là năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết thêm, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,3% vào năm 2024.
Đối với rau quả – ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng “phi mã” năm 2023 với gần 70%, thì năm 2024 cũng được kỳ vọng tiếp tục tăng tốc khi ngay từ tháng 1/2024 đã đạt mức tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định: Năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7%; Hàn Quốc đạt gần 226 triệu USD, tăng 25%; Mỹ gần 228 triệu USD, tăng 4%; Hà Lan hơn 147 triệu USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 176,2 triệu USD, tăng 6,7%… Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 dự báo tiếp tục khởi sắc.
Điều chỉnh cơ cấu mặt hàng và mở rộng thị trường
Ông Trương Đình Hòe-Tổng Thư ký VASEP cho rằng: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Theo dự báo của VASEP, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10-15% so với năm 2023, đặc biệt là trong sáu tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại. Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là ngành thủy sản cần quan tâm đến cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khi kinh tế khó khăn khiến nhiều thị trường có sự chuyển đổi mạnh từ tiêu dùng các mặt hàng thủy sản có giá cao sang các mặt hàng có mức giá thấp hơn. Như thị trường Canada, nhu cầu tôm đông lạnh và cá ngừ đông lạnh giảm, trong khi cá tra, basa và cá ngừ đóng hộp tăng. Nắm bắt được xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong năm 2024 khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Canada được dự báo sẽ tăng thời gian tới.
Riêng ngành rau quả, để bứt phá xa hơn nữa so với thành công từ năm 2023 thì cơ cấu hàng xuất khẩu trong năm 2024 cũng nên điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Cụ thể, năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm chế biến tăng trưởng đáng kể, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2022. Đây là xu hướng của thị trường, đồng thời cũng khẳng định các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đã đáp ứng ngày càng tốt các yêu cầu khắt khe về chất lượng của thị trường toàn cầu.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, người tiêu dùng thế giới ngày càng công nhận lợi ích và tác động tích cực của dinh dưỡng thực vật nên xu hướng tiêu thụ thực phẩm từ thực vật gia tăng nhanh chóng. Dự kiến, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD.
Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả tăng trưởng, gồm: Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao; Việt Nam vẫn đang đàm phán với Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Hàn Quốc cũng ngày càng ưa chuộng rau quả Việt Nam nói chung và các loại trái cây nói riêng.