Thời gian qua, việc triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng trong sử dụng hàng Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Để làm được điều đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Quảng Ninh cũng tập trung triển khai thực hiện tốt việc xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất và triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.
Trong đó, việc vận động duy trì các mô hình phát triển nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.095 ha diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP và duy trì, kiểm soát về ATTP; 45 ha diện tích đất trồng hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 329 ha vùng quế hữu cơ; cấp 48 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ nội tiêu, xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện cũng đang triển khai liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp với tổng số 40 chuỗi liên kết có 26 HTX tham gia. Các địa phương cũng đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân, tổ chức góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, trong năm 2023, Hội Nông dân cũng đã giải ngân 11 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cho 147 hộ vay thông qua 11 dự án, mô hình kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; phối hợp với một số ngân hàng tín chấp cho nông dân vay gần 2.000 tỷ đồng phục vụ xây dựng, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao. Nhờ đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP với tổng số 566 sản phẩm, trong đó tính đến hết năm 2023 đã có 401 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng từ 3-5 sao; 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Thông qua công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh quảng bá, tìm kiếm cơ hội mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh và cả nước.
Đặc biệt, để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh đến với người tiêu dùng, Quảng Ninh cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại; công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Chỉ tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3 Hội chợ OCOP cấp tỉnh và 19 Hội chợ cấp huyện. Thông qua các Hội chợ triển lãm, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh luôn nhận được sự ưu tiên tiêu dùng của khách hàng. Ngoài ra, các sản phẩm như thịt lợn Móng Cái, hải sản các loại; các sản phẩm thảo dược… đã được các đơn vị, doanh nghiệp OCOP trong tỉnh kết nối giao thương với các đơn vị phân phối đưa vào các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart/VinmarC, Go, Megamart, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc để tiêu thụ sản phẩm…
Như vậy có thể thấy, hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm đơn thuần. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, điều chỉnh giá cả phù hợp và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Hiện lượng hàng hóa có nguồn gốc trong nước lưu thông trên thị trường Quảng Ninh đang chiếm hơn 80% và có sức tiêu thụ khá tốt. Qua đó cho thấy người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh và lựa chọn hàng Việt khi tiêu dùng.