Thúc đẩy chương trình OCOP ở Bình Liêu

Thực hiện các giải pháp, hỗ trợ nguồn lực nhằm củng cố phát triển doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP… là cách làm giúp OCOP Bình Liêu vượt khó, đạt được kết quả khả quan.

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung, phát huy các nguồn lực, huyện Bình Liêu đã phát huy được các sản phẩm thế mạnh, phát triển doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm OCOP và thúc đẩy được chương trình OCOP. 

Đóng gói sản phẩm OCOP miến dong ở Công ty Cổ phần TM&DV Bình Liêu.
Đóng gói sản phẩm OCOP miến dong ở Công ty Cổ phần TM&DV Bình Liêu.

Trước hết, có thể thấy, Bình Liêu triển khai Chương trình OCOP trong đó quan tâm tới các tổ chức, đơn vị tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Huyện đã có nhiều cách làm, linh hoạt, bố trí nguồn lực để củng cố, phát triển mạnh lực lượng này.

Theo đó, thời gian qua, đặc biệt, giai đoạn 2017 – 2020, huyện đã quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ việc thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp OCOP… Cho tới nay, toàn huyện đã có 10 cơ sở, HTX, doanh nghiệp OCOP.

Không chỉ vậy, huyện còn quan tâm quy hoạch và triển khai vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP. Tiêu biểu là sản phẩm miến dong Bình Liêu, trong giai đoạn 2017 – 2020, đã quy hoạch vùng trồng trên địa bàn 5 xã, mở rộng trên toàn huyện với diện tích quy hoạch 500ha, chưa kể nguồn cung từ Tiên Yên.

Đồng thời, huyện đã hoàn thiện việc rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó xác định vùng trồng dong riềng trên 500ha duy trì đến năm 2030. Điều này đảm bảo nguyên liệu cho sản phẩm OCOP chủ lực này.

Chú trọng ứng dụng KHCN trong sản xuất, huyện đã có nhiều hỗ trợ đầu tư về cơ sở sản xuất chế biến, về hạ tầng nhà xưởng khang trang, máy móc, nhà lưới và hệ thống bảo vệ môi trường… Huyện đã bố trí  được các nguồn lực kết hợp với ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp OCOP. Tiêu biểu như, năm 2019, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng về hạ tầng cho dự án trồng hoa chất lượng cao của HTX hoa Bình Liêu.

Ngoài ra, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ chế biến, sản phẩm là nội dung được trọng tâm nhất. Năm 2018, huyện hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng cho các dự án của Công ty CP TMDV Bình Liêu, dự án hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến miến dong Trần A Chiu (Húc Động), dự án máy móc chế biến củ cải Khe Tiền (Đồng Văn). Năm 2019, hỗ trợ trên 312 triệu đồng cho các dự án máy tinh lọc thủy phần mật ong cho HTX Hợp Tiến; máy chế biến miến dong cho HTX Gia Hưng; hỗ trợ nhà xưởng, máy chế biến miến dong cho HTX TM&DV Khe Vằn…

Đặc biệt, năm 2019, huyện còn linh hoạt các nguồn lực nông thôn mới, khuyến công nâng tổng hỗ trợ trên 569 triệu đồng cho cơ sở sản xuất rượu gạo Bao thai HTX Bình An. Năm 2020, các cơ quan chức năng đã làm thủ tục hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và bảo quản các loại tinh dầu cho HTX thảo mộc Tuệ Lâm.

Không chỉ là điểm đến hấp dẫn, HTX Hoa Bình Liêu còn được hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng.
Không chỉ là điểm đến hấp dẫn, HTX Hoa Bình Liêu còn được hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng.

Ngoài ra, huyện luôn quan tâm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân các nguồn lực để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Trong đó, tập trung việc hỗ trợ các nội dung về kết nối đầu vào, thương mại, hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và từng bước nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Huyện Bình Liêu đã thực hiện tham gia trên 12 cuộc xúc tiến thương mại giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài huyện; thực hiện hỗ trợ trên 10 đợt xúc tiến tại các hội chợ do tỉnh tổ chức; kết nối đầu vào cho 3 tổ chức (HTX Hợp Tiến; HTX Phát Triển Xanh, Công ty Cổ phần TM&DV Bình Liêu…). Đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân  tham gia hội chợ trên địa bàn huyện, tỉnh và một số tỉnh lân cận với tần suất tham gia hội chợ từ 5 – 7 lần/năm.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, có thể nói các giải pháp trên đã tiếp sức hiệu quả, giúp phát triển sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ chương trình OCOP của huyện.

Tác giả: Tạ Quân

Theo: Báo Quảng Ninh