Để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và khẳng định được thương hiệu sản phẩm địa phương, huyện Tiên Yên đang xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng phát triển các chuỗi giá trị sản xuất.
Huyện Tiên Yên đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng nuôi gà Tiên Yên, vùng nuôi tôm, vùng trồng cây ăn quả tập trung… Tới nay, các vùng sản xuất tập trung đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực với các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đơn cử như trong việc phát triển vùng nuôi gà Tiên Yên, toàn huyện đã mở rộng được trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô trên 500 con/lứa với việc thực hiện việc chăn nuôi khoa học; phát triển được 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô sản xuất trên 1,2 triệu con giống/năm. Dự kiến, năm 2022, huyện phối hợp với các ngành xây dựng Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng ra thị trường; hướng tới hiện thực hóa mục tiêu nâng từ 4 lên 5 sao cho sản phẩm thương hiệu gà Tiên Yên.
Vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện cũng được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng và được ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nuôi trồng. Điển hình, như: Nuôi tôm thẻ chân trắng, chăn nuôi gà Tiên Yên, bò thịt, nuôi vịt mặn lợ, nuôi ong lấy mật, nuôi ngan sao, rau cải xanh muối dưa úp thảm, trồng cây dong riềng, khoai lang, dược liệu, cam, thông mã vĩ và cây bản địa…
Cùng với đó, để phát triển sản phẩm OCOP của địa phương theo hướng bền vững, lâu dài, huyện Tiên Yên tập trung xây dựng sản phẩm chất lượng từ hình thức, mẫu mã tới các giải pháp truy xuất, kiểm soát chất lượng trên sản phẩm, như: Gà Tiên Yên, mật ong Tiên Yên, khau nhục, trứng vịt biển Đồng Rui, các sản phẩm bánh kẹo Tiên Yên…
Để các sản phẩm OCOP được phát triển mạnh mẽ, toàn diện, huyện đẩy mạnh việc hình thành, thành lập mới các HTX để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 41 HTX, trong đó 31 HTX nông nghiệp, 10 HTX phi nông nghiệp. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả và hình thành được chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: HTX chăn nuôi gà Tiên Yên quy mô nuôi trên 80.000 gà thương phẩm/năm; HTX Hà Lâu quy mô trên 70.000 gà thương phẩm/năm…
Hằng năm, huyện thành lập đoàn và hỗ trợ các chủ thể tham gia giới thiệu và bán sản phẩm tại các kỳ hội chợ OCOP. Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng được mở rộng và đa dạng để thích nghi phù hợp với phương thức giao thương trong thời kỳ mới, như: Tăng cường bán hàng trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội (Shopee, Voxo, Facebook, zalo…). Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương triển khai chương trình tập huấn gồm 9 chuyên đề chuyên sâu về hướng dẫn kỹ năng áp dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP cho các hộ sản xuất trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện Tiên Yên đã có 8 sản phẩm đăng ký và được Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh chấp thuận tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 9/11 xã, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Cụ thể như, xã Phong Dụ có sản phẩm gà Tiên Yên đạt 4 sao; các xã Đông Hải, Điền Xá, Yên Than, Hà Lâu có sản phẩm gà Tiên Yên 3 sao; xã Hải Lạng có sản phẩm trứng vịt biển rừng ngập mặn 3 sao; xã Tiên Lãng có sản phẩm mật ong đạt 3 sao; xã Đồng Rui có sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui đạt 4 sao; thị trấn Tiên Yên có sản phẩm bánh chả, bánh hạnh nhân, kẹo lạc hồng, khau nhục, bánh gật gù đạt 3 sao.
Ông Vi Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Cấp uỷ, chính quyền huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tái cơ cấu phát triển sản phẩm OCOP của huyện theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh việc tuyên truyền, thông tin sâu rộng với nhiều phương thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về phát triển sản phẩm OCOP địa phương để người dân nắm được; tăng cường phối hợp với các sở, ngành triển khai tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chủ thể thực hiện chương trình OCOP nhằm nâng cao năng lực quản lý, sản xuất. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.