Huyện Tiên Yên đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhờ đó, sản xuất hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, sáng tạo, nhiều giải pháp đồng bộ của huyện, ngành nông nghiệp huyện đã có những bước tiến vững chắc. Chủ trương “2 con, 1 cây” và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá, tốc độ tăng bình quân 10,1%/năm, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến năm 2022, giá trị sản phẩm thu được/ha đất trồng trọt đạt 135,7 triệu đồng, tăng 3,6 triệu đồng so với năm 2019; giá trị sản phẩm thu được/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 674,3 triệu đồng, tăng 326,6 triệu đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2019; tổng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp đạt 1.166,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2021.
Để có những kết quả đó, huyện chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung: Vùng nuôi tôm ở các xã Hải Lạng, Đồng Rui, Đông Ngũ, Đông Hải; vùng trồng cây ăn quả tập trung…, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất theo chuỗi liên kết hàng hóa có vùng nuôi gà Tiên Yên.
Huyện hiện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên, quy mô trên 500 con/lứa; 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm; 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên, quy mô trên 1,2 triệu con giống/năm, bước đầu hình thành chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song ngành nông nghiệp của huyện vẫn đứng trước nhiều thách thức. Địa hình chia cắt gây khó khăn cho phát triển sản xuất nông nghiệp; lũ lụt thường xuyên xảy ra; mùa khô dòng chảy cạn kiệt, mực nước sông rất thấp, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Phát triển kinh tế thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên còn những tác động tiêu cực tới môi trường…
Nhận diện rõ những khó khăn, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định cần phải khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, các thế mạnh về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ và nông nghiệp, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
Đặc biệt, huyện cần cân nhắc thận trọng và có quyết định hợp lý trong việc lấy đất nông nghiệp để phát triển đô thị, quỹ đất nông nghiệp khi chuyển sang thành đất đô thị phải được khai thác sử dụng hiệu quả và tối ưu, tránh sự dàn trải của đô thị. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Riêng trong chăn nuôi, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ trong khu đông dân cư sang chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với chủ thể là HTX, tổ hợp tác, trang trại, gia trại đảm bảo an toàn sinh học. Trong lâm nghiệp, huyện đang định hướng triển khai mô hình trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng cây gỗ lớn, phát huy hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.
Bà Đỗ Thị Duyên, Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy, nhân rộng các dự án hiệu quả, tập trung phát triển con gà, con tôm, cây khoai tây vụ đông theo chuỗi liên kết sản xuất với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; các nhiệm vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án cây ăn quả, đề án phát triển rừng; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, tập trung cho sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP. Mặt khác, phát huy hiệu quả một số mô hình sản xuất từ nguồn xã hội hóa, như vườn cây ăn quả, chủ đạo là cây cam của hộ ông Nguyễn Đức Chính, xã Đông Hải; trồng rừng gỗ lớn (cây giổi) của hộ ông Vũ Văn Hiếu, xã Đông Hải; nuôi dũi ở xã Hà Lâu…