Sáng 9/9, tại TP Hà Nội, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.
Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM đã mang lại nhiều kết quả tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, với sự tham gia của 4.351 chủ thể là HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, cả nước đã hình thành được gần 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 65 sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Chương trình đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền; thúc đẩy hướng đi phát triển sinh kế ở vùng khó khăn, vùng DTTS… ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh.
Tiếp nối thành công đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về triển khai chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 nhằm khai thác tốt lợi thế từ các chương trình này để thúc đẩy việc xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu bàn thảo, trao đổi nhiều giải pháp để đưa chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, như: Giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP; phát triển kết nối giao thông, thông tin giữa các vùng miền; tăng cường tuyên truyền, quảng bá; xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng; tu bổ di tích, di sản, khai thác văn hóa vùng miền…
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị các địa phương tập trung triển các chương trình đảm bảo phát huy hiệu quả. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, tạo ra sự khác biệt; chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; khuyến khích, tạo cơ hội cho nông dân phát triển loại hình du lịch nông thôn; quan tâm xây dựng điểm đến, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch qua các lễ hội, sự kiện, diễn đàn… Mục tiêu là tạo dựng cho vùng nông thôn một hình ảnh năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn; đồng thời, từng bước nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.