Là giống bản địa có từ lâu đời, cây cam Vân Đồn có nhiều lợi thế về vùng trồng, nguồn giống, tập quán canh tác… Thời gian qua, cam Vân Đồn đã được quan tâm phát triển thành sản phẩm OCOP, trở thành thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy.
Chia sẻ về phát huy giá trị sản phẩm này, ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vân Đồn cho biết: Để xây dựng và phát triển quy củ, cam Vân Đồn đã được quan tâm đầu tư quy hoạch bài bản, nâng cao chất lượng, tập trung nâng tầm thương hiệu trên thị trường.
Cam Vạn Yên (Vân Đồn) được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. |
Theo đó, từ năm 2015, Vân Đồn đã ra nghị quyết quy hoạch và xây dựng dự án vùng trồng cam, đồng thời khuyến khích các hộ tăng diện tích trồng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung. Theo quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, tổng diện tích cam trên địa bàn toàn huyện đạt 1.034ha. Trong đó, cam trồng tập trung xấp xỉ 850ha ở 4 xã là Vạn Yên, Bản Sen, Đoàn Kết và Đài Xuyên; năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, sản lượng 12.000 tấn quả/năm; 45% sản lượng cam được quản lý theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ. Quy hoạch diện tích cam trồng phân tán là 225ha, phân bố tại các thôn của các xã Vạn Yên (88ha), Đài Xuyên (32ha), Đoàn Kết (25ha), Bản Sen (50ha), Bình Dân (30ha).
Không chỉ thực hiện tốt quy hoạch, Vân Đồn còn có nhiều cách làm để hỗ trợ, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm cam của địa phương. Huyện còn đầu tư củng cố và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở vùng sản xuất, hỗ trợ thực hiện mục tiêu hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai hỗ trợ đầu tư được một số hạng mục công trình về hạ tầng, như: Đường giao thông, công trình thủy lợi tại vùng trồng thuộc xã Vạn Yên; triển khai thực hiện một số dự án hỗ trợ sản xuất cam tập trung tại xã Vạn Yên. Nhờ đó, hiện nay đường từ thôn 10/10 nối với đường 334 đã rất thuận tiện cho giao thông, phục vụ mục đích thương mại.
Ngoài ra, Vân Đồn còn linh hoạt các nguồn vốn để nâng diện tích, chất lượng cây trồng. Bằng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2016 huyện cũng đã triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất cây cam tập trung. Tổng kinh phí thực hiện là 474,6 triệu đồng (vốn nhà nước hỗ trợ 171,9 triệu đồng, vốn người dân đối ứng 302,7 triệu đồng). Nhờ đó, có tổng số 17 hộ dân được thụ hưởng, diện tích thực hiện gần 23ha. Giai đoạn 2016-2017, huyện còn phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thực hiện Dự án phát triển sản xuất cam chất lượng cao tại huyện Vân Đồn. Kết quả có 74 hộ trên địa bàn huyện tham gia, tổng diện tích là 78ha.
Bên cạnh bảo tồn, phục tráng giống cam quý bản địa, huyện Vân Đồn cũng tích cực phối hợp với các đơn vị khoa học như Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn; học tập kinh nghiệm tại vùng sản xuất cam tập trung ở Cao Phong (Hoà Bình). Đặc biệt, huyện đã cùng Sở KHCN thường xuyên kiểm tra, điều trị bệnh vàng lá, hỗ trợ trồng mới, loại bỏ cây bị bệnh, kém chất lượng.
Nhờ đó, sau gần 4 năm tích cực thực hiện, đến nay, tổng diện tích trồng cam trên toàn huyện ước đạt 340ha, tăng 140ha so với năm 2016. Trong đó, gần 53% diện tích (khoảng 180ha) đang cho thu hoạch. Tổng số hộ dân đang tham gia trồng cam trên địa bàn huyện đạt khoảng 430 hộ. Và cũng sau gần 4 năm triển khai quy hoạch vùng trồng cam tập trung, Vân Đồn đã hỗ trợ người dân phát triển cây cam trở thành cây trồng hàng hóa
Trên thực tế, sản phẩm cam Vân Đồn được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, đạt giá trị trung bình trên 30.000 đồng/kg với cam Vạn Yên, 70.000-80.000 đồng/kg với cam Bản Sen. Qua đó, từng bước tạo dựng thương hiệu cam Vân Đồn thành nông sản an toàn, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thu nhập cho các hộ trồng cam khá cao, trung bình đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Người trồng cam ở Bản Sen và các vùng trồng luôn chú trọng nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm. |
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhu cầu thương mại mạnh mẽ, huyện Vân Đồn cũng liên tục tổ chức các lớp đào tạo về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn mác hàng hóa… hợp quy chuẩn, với trung bình 1-2 lớp/năm. Nhờ đó đã có thay đổi nhiều về hình thức, các HTX, các hộ trồng cam đã liên tục đổi mới về bao bì, đảm bảo đa dạng, đầy đủ thông tin về sản phẩm, gồm các loại túi ny-long và thùng các-tông (loại 5 và 10kg) tiện dụng cho vận chuyển. Về tuyên truyền, xúc tiến quảng bá, huyện cũng tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, tích cực tổ chức Hội chợ OCOP cấp huyện; thực hiện kết nối, tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh với trung bình 5-6 cuộc/năm.
Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển vùng trồng tập trung, phát huy giá trị cây cam, huyện Vân Đồn cũng cần quan tâm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc như: Cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất tập trung mới chỉ có một số mang tính thiết yếu, còn nhiều hạn chế; quỹ đất tại các vùng sản xuất hiện khó khăn do chưa có phương án chuyển đổi, chồng lấn quy hoạch…
Hà Phong
Nguồn tin: baoquangninh.com