10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 43 tỷ USD. Càng về cuối năm xuất khẩu càng có mức phục hồi rõ hơn.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10 năm 2023 ước đạt 4,8 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 43 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. Càng về cuối năm xuất khẩu càng có mức phục hồi rõ hơn.
Rau quả tiếp tục giữ vững vị trí cao nhất về khả năng tăng tốc, đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam. Mặt hàng thứ hai là gạo.
Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng gần 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi giá trị xuất khẩu lâm sản, thủy sản chỉ tăng nhẹ và vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 19 – 20%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tháng 11, việc triển khai xuống giống vụ lúa Đông Xuân tại ĐBSCL và chuẩn bị thu hoạch cà phê Tây Nguyên sẽ là cơ sở để nhóm hàng nông sản có thêm cơ hội xuất khẩu. 10 tháng đầu năm nay, nhóm hàng này đã đạt gần 22 tỷ USD.
Tăng mạnh xuất khẩu hoa nhờ chất lượng
Hai tháng cuối năm, các mặt hàng chủ lực đều dồn sức tăng tốc. Các nhóm hàng như hoa cây cảnh, muối, sản phẩm chăn nuôi, sắn, mật ong… vẫn giữ ổn định và có sự bứt phá, nhất là mặt hàng hoa. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tại Đà Lạt, hoa vẫn giữ được vị thế, ngay cả ở những thị trường xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.
Cùng một cành hoa hồng, người tiêu dùng ở nước này rất ưng ý nhưng có thể sẽ không thuyết phục được người tiêu dùng ở nước khác. Chỉ xét về độ nở của hoa, mỗi thị trường một yêu cầu khác. Tại xưởng đóng gói của Dalat Hasfarm, công nhân lựa chọn kỹ càng từng cành hoa hồng theo đúng tiêu chuẩn của từng thị trường xuất khẩu.
Chỉ riêng Dalat Hasfarm, đến hết quý III năm nay, kim ngạch xuất khẩu hoa đạt 29 triệu USD. Tăng trưởng tuy không mạnh chi 3%, nhưng như vậy vẫn giữ ổn định thị trường xuất khẩu. Các mặt hàng hoa Đà Lạt có tiếng như: hoa cúc, hoa hồng, cát tường, cẩm chướng vẫn được người tiêu dùng các nước châu Á lựa chọn.
Năm 2022, với diện tích trồng hoa gần 10.000 ha, Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 3,6 tỷ cành hoa. Hoa để xuất khẩu phải đạt những tiêu chuẩn. Đặc biệt thị hiếu của người tiêu dùng các nước liên tục đòi hỏi những giống hoa mới. Trong khi đó, để có giống hoa mới xuất khẩu, điều đầu tiên, ngành hoa Đà Lạt phải nhập nội giống hoa mới có bản quyền.
Đây cũng là bước đi để sản xuất hoa Đà Lạt từng bước thích ứng với thị trường xuất khẩu, thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu Đông Nam Á với tỷ lệ hoa xuất khẩu chiếm 30% sản lượng vào năm 2030.