Xúc tiến thương mại nông sản trên nền tảng số

Ứng dụng các nền tảng số để thúc đẩy trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu của nền kinh tế số hiện nay. Đặc biệt, thời gian qua, dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Nắm bắt thời cơ, tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

TX Đông Triều xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart (tại địa chỉ http://dongtrieumart.vn) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương.

Hiện nay, qua các trang điện tử ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh; 5 sàn giao dịch TMĐT; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn TMĐT.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở Công thương cho biết, thời gian qua, ngành Công thương đã thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên nền tảng số, ứng dụng TMĐT, trên các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện phù hợp với xu thế thời đại 4.0. Hướng tới xu thế hiện đại, văn minh trong buôn bán, kinh doanh, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong mọi khâu kết nối, tiêu thụ sản phẩm với các sàn TMĐT lớn. Đặc biệt là phát huy vai trò làm “cầu nối” với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cùng các sàn TMĐT lớn trong nước, nhằm kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của Quảng Ninh tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT được cho là bước chuyển căn bản, thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay. Lợi thế của TMĐT với tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng để các nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Do vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Điển hình như tại TX Đông Triều, để tạo đầu ra cho nông sản trên địa bàn, Đông Triều đã kết nối với 3 sàn TMĐT là Sendo, Voso, Cuccu và xây dựng trang TMĐT dongtrieumart.vn. Đây được coi là bước đi mạnh dạn cho mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này. Tại đây, người mua hàng có thể quét mã tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn, kích thước quả và giá cả.

Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều: Cùng với việc tổ chức các hoạt động hội chợ, hội thảo, festival sản phẩm nông nghiệp, làng nghề… theo phương thức truyền thống, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là bước chuyển thay đổi căn bản phương thức tiêu thụ nông sản cho người nông dân trong xu thế công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Đây thực sự là hướng đi hiệu quả, mở ra một kênh bán hàng bền vững và phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Sở Công thương Quảng Ninh phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tham gia hoạt động TMĐT (tháng 4/2022).

Theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương, mặc dù thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, song số lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT còn khiêm tốn. Đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Đa số nông sản chủ yếu là sản phẩm mùa vụ nên thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó khăn; công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia sàn TMĐT nên còn nhiều bỡ ngỡ, việc chăm sóc gian hàng trên mạng chưa được chú trọng như hình ảnh quảng bá chưa bắt mắt, việc thay đổi giá bán chưa kịp thời.  Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX phải tạm dừng hoạt động do sức tiêu thụ thấp, chi phí sản xuất cao. Công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP; ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng số; cách thức bán hàng trên môi trường số thông qua phương thức livestream; cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn TMĐT chưa được triển khai thường xuyên do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…

Để tiếp tục hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX, đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh, hiện ngành nông nghiệp, ngành công thương và các đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương; đồng thời, phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh TMĐT và điểm du lịch trên địa bàn… Và vấn đề mang tính nền tảng là phối hợp triển khai đồng bộ công nghệ số trong nông nghiệp tại các địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức cũng như năng lực ứng dụng kỹ thuật, công nghệ số cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh…

Hoài Anh