Ðiều kiện cần để công nghiệp hỗ trợ phát triển là quy mô thị trường, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu, nhưng điều kiện đủ là năng lực của các nhà cung cấp trong nước cũng phải được bảo đảm nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ðây là hai vấn đề song hành cần giải quyết đồng bộ mới có thể góp phần phát triển ổn định cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại LIDOVIT (Bình Dương). |
Công nghiệp hỗ trợ còn yếu
Công nghiệp xe máy Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho sự cần thiết của quy mô thị trường. Thời ban đầu, khi quy mô thị trường xe máy trong nước chưa đủ lớn, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho công nghiệp xe máy không phát triển. Nhưng khi thị trường tăng trưởng mạnh, các doanh nghiệp (DN) lắp ráp phải tăng tỷ lệ nội địa hóa để cắt giảm chi phí và tăng sự linh hoạt của chuỗi cung ứng. Thế nhưng, thực tế các DN trong nước chỉ tập trung công tác lắp ráp, còn lại phần sản xuất các linh kiện cũng chỉ dừng ở phần vỏ nhựa bên ngoài, khiến tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng thấp.
Tương tự, dệt may và điện tử cũng là hai ngành có quy mô thị trường lớn. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu gần 30 tỷ USD các sản phẩm dệt may, gần 70 tỷ USD các sản phẩm điện tử, linh kiện. Nhưng cho đến nay, CNHT cho hai ngành này vẫn chưa phát triển mạnh, bởi cả hai điều kiện đủ nêu trên vẫn chưa được bảo đảm. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, CNHT trong ngành dệt may Việt Nam chưa phát triển, thể hiện qua sự phụ thuộc lớn vào nguyên liệu vải nhập khẩu. Nhập siêu vải năm 2016 đạt 10 tỷ USD, trong khi sợi xuất siêu gần hai tỷ USD và hàng may mặc xuất siêu hơn 24 tỷ USD. Hiện tỷ lệ nội địa hóa đạt của các DN dệt may đạt khoảng 40% và đến năm 2020 có thể đạt hơn 60%. Theo các chuyên gia, may mặc là ngành thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng thấp. Ngược lại, ngành dệt (CNHT cho ngành may mặc) lại là ngành thâm dụng vốn và công nghệ, có khả năng tự động hóa cao, tạo ra giá trị gia tăng, nhưng đi liền với nguy cơ ô nhiễm nước thải từ công đoạn nhuộm. Do hạn chế về vốn, công nghệ cho nên ngành dệt của Việt Nam ngày càng mai một. Trong khi đó, ngành may mặc phát triển nhanh chóng nhờ lợi thế về lao động, đất đai và cơ hội tiếp cận thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Ðiều này dẫn đến sự “khập khiễng” trong việc cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào, khiến phát triển chung của ngành dệt may chưa bền vững. Tuy nhiên, những năm gần đây, do yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, ngành dệt có dấu hiệu khởi sắc với sự gia tăng nhanh chóng các dự án đầu tư mới vào ngành dệt, nhưng chủ yếu là đầu tư của các DN đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc,… trong khi các DN trong nước chưa tận dụng tốt cơ hội này.
Cũng khó khăn về nguồn nguyên liệu như dệt may, ngành điện tử mặc dù có quy mô thị trường xuất khẩu lớn, nhưng CNHT chưa phát triển mạnh, phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Hiện nay, cả nước mới có hơn 600 DN sản xuất linh kiện điện tử, phục vụ cho các ngành khác nhau. Mỗi năm, Việt Nam nhập siêu hơn 10 tỷ USD linh kiện điện tử để phục vụ nhu cầu lắp ráp trong nước, với hai mặt hàng linh kiện chủ yếu là mạch điện tử tích hợp và linh kiện điện thoại. Thị trường cung cấp linh kiện điện tử cho Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhập khẩu từ hai quốc gia này chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện tử của Việt Nam.
Giải pháp thúc đẩy
Báo cáo của Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng kém phát triển của CNHT nói chung và trong ngành điện tử nói riêng. Trước hết, số lượng DN ít, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, quy mô thị trường trong nước còn nhỏ và chịu sự chi phối của một số ít người mua chính, trong khi thị trường xuất khẩu lại chịu sức ép cạnh tranh gay gắt về giá. Về môi trường kinh doanh trong nước, mặc dù đã có nhiều cải thiện về chính sách phát triển CNHT, nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần cải thiện liên quan đến tiến độ, hiệu quả triển khai các chương trình hỗ trợ DN cũng như về thủ tục hành chính, kinh doanh hay nguồn nhân lực.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển của CNHT thời gian tới, trước hết cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trước mắt, cần điều chỉnh, sửa đổi những quy định còn vướng mắc trong hệ thống pháp luật liên quan đến phạm vi CNHT, làm rõ tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi; rà soát, cập nhật và điều chỉnh danh mục các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành chính sách thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như: cơ khí, ô-tô, dệt may, da giày, điện tử,… nhằm tạo thị trường cho các ngành CNHT phát triển, bao gồm các chính sách về thị trường, phòng vệ thương mại và hỗ trợ của Nhà nước cho DN. Ðồng thời nghiên cứu chiến lược hỗ trợ xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Thực tế, trình độ các DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất, do đó để nâng cao trình độ, năng lực của các DN Việt Nam, Nhà nước cần bố trí nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ.
Kinh nghiệm phát triển CNHT của Hàn Quốc là nhà nước bố trí kinh phí hỗ trợ hàng trăm triệu USD hằng năm cho ngành công nghiệp và CNHT để các ngành này “đủ lớn”, có thể cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Với xuất phát điểm còn thấp và năng lực còn hạn chế, các DN công nghiệp, CNHT của Việt Nam chưa được hỗ trợ đúng mức. Có 97% DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho nên rất cần nguồn lực đáng kể để phát triển sản xuất. Ngoài ra, cần mở rộng thị trường cho CNHT bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh). Ðây là ngành có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Thông qua đó, thị trường cho CNHT trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Theo NGUYỆT BẮC/nhandan.com.vn