Những kết quả của mô hình hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP được triển khai thành công đã có hiệu ứng lan tỏa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều hợp tác xã đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phát huy những lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống.
Đây là nền tảng, cơ sở để xây dựng hoạt động, tổ chức của hợp tác xã; đồng thời sản phẩm cũng nhanh chóng hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển thương hiệu.
Các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản được giới thiệu tại một hội chợ ở Quảng Ninh. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN |
Có thể kể đến các hộ dân xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh đã liên kết thành lập hợp tác xã và tham gia Chương trình OCOP với mục tiêu cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu ổi Hoành Bồ trở thành sản phẩm OCOP.
Đến nay, mô hình đã mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, thu nhập tăng cao.
Ông Vũ Minh Thường, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông, lâm nghiệp Toàn Phú cho biết, khi xây dựng ổi Hoành Bồ thành sản phẩm OCOP, xã viên có nhiều cơ hội quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm ngày càng được thị trường biết đến, có uy tín, thương hiệu nên tiêu thụ dễ dàng hơn, nông dân có thu nhập ổn định và ngày càng cao.
Bởi vậy, diện tích trồng ổi của hợp tác xã ngày càng được nhân rộng, đến nay đã có 60ha và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, hợp tác xã sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP, đầu tư mẫu mã bao bì đạt sản phẩm 3 sao.
Cũng giống như ổi Hoành Bồ, nhiều sản phẩm OCOP được các hợp tác xã phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: ba kích Ba Chẽ, chả mực Hạ Long, nước mắm Cái Rồng, nấm Long Hải, rau Việt Long, khoai lang Móng Cái…
Quảng Ninh được xem như là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng Chương trình OCOP. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Quảng Ninh có gần 150 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP với trên 400 sản phẩm. Đặc biệt, trong số đó có 57 hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đã phát triển được 25 thương hiệu sản phẩm, sản xuất 65 nhóm sản phẩm.
Những kết quả của mô hình hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP được triển khai thành công đã có hiệu ứng lan tỏa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn.
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đã và đang có sự gắn bó, chủ động tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nên đa số hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Để tiếp tục phát triển hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Giang cho biết, Quảng Ninh coi Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng. Do đó, mỗi địa phương, đơn vị cần nhận thức đúng, ứng xử đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới.
Việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá Chương trình, sản phẩm OCOP, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp với xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường là bước then chốt cho các sản phẩm phát triển bền vững.
Với tiềm năng gần 5.000 loại sản phẩm đặc sản hiện có ở khắp các vùng miền trên cả nước, Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ hội cải thiện sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn truyền thống văn hóa vùng miền. Đến tháng 5/2019, cả nước đã có 48 tỉnh, thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án, Kế hoạch OCOP cấp tỉnh.
Đặc biệt, các địa phương như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Bình còn ban hành Bộ tiêu chí OCOP cấp tỉnh; tổ chức đánh giá, công nhận 200 sản phẩm OCOP (7 sản phẩm 5 sao, 66 sản phẩm 4 sao, 127 sản phẩm 3 sao).
Theo ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, OCOP sẽ khuyến khích và thúc đẩy các hợp tác xã đã được thành lập, chuyển đổi và sớm hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Sự hình thành các hợp tác xã gắn với OCOP sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng cao hơn và ngày càng phát triển bền vững trên thị trường.
Trên cơ sở đó, hoạt động của các hợp tác xã này đi vào thực chất, hoạt động hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Theo ông Trần Công Thắng, hợp tác xã tham gia xây dựng thương hiệu gắn với OCOP sẽ đạt được đa mục tiêu như: hỗ trợ khá toàn diện từ các chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động; thúc đẩy thương hiệu của địa phương gắn với tiềm năng và lợi thế, góp phần nâng cao hiệu quả của các hộ gia đình trong cộng đồng sản xuất; mở rộng phạm vi ảnh hưởng của sản phẩm OCOP cho cộng đồng, thay vì phạm vi của một cơ sở sản xuất/hộ gia đình.
Việc gắn chính sách hỗ trợ OCOP, thương hiệu với việc xây dựng hợp tác xã sẽ góp phần hình thành các hợp tác xã phù hợp về quy mô, điều kiện của các địa phương. Cùng với đó, phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm của địa phương gắn với thương hiệu và nhu cầu thị trường.
Ông Thắng cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển OCOP và thương hiệu nông sản cần thúc đẩy vai trò của hợp tác xã. Đối với các hợp tác xã là chủ sở hữu các nhãn hiệu tập thể, hoặc sản xuất các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần lựa chọn và ưu tiên xây dựng các sản phẩm OCOP nhằm phát huy giá trị của các thương hiệu đã được nhà nước bảo hộ và thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.
Bởi quá trình xây dựng sản phẩm OCOP cần gắn liền với việc khai thác và phát huy vai trò của các thương hiệu cộng đồng, đặc biệt là nhãn hiệu tập thể của các hợp tác xã. Đây là thương hiệu, lợi thế và giá trị đã được hình thành trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận./.
Nguồn bnews.vn