Những năm qua huyện Ba Chẽ thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất bằng việc phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Qua đó, đã giúp cho người dân nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.
Nhờ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ trồng cam tại xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, đã thực hiện mô hình trồng cam Vinh, V2 cho hiệu quả kinh tế cao. |
Hiện trên địa bàn huyện Ba Chẽ có 19 trang trại, gia trại, bao gồm các trang trại, gia trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Phần lớn các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và chủ trang trại.
Tới thăm mô hình trang trại nuôi gà của gia đình anh Chìu Quý Nguyên, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ – hộ gia đình đã được hỗ trợ kinh phí để phát triển mô hình trang trại nuôi gà thương phẩm. Anh Chìu Quý Nguyên chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào trồng rừng là chính. Năm 2018, sau khi được tham gia một số lớp tập huấn của huyện về phát triển các mô hình kinh tế và được nhận hỗ trợ, tạo điều kiện của huyện, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà thương phẩm với diện tích hơn 2ha. Tới nay, trang trại gà của gia đình phát triển tốt với quy mô khoảng 5.600 con gà, cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm.
Cũng như hộ anh Nguyên, mô hình trồng cam của gia đình chị Trạc Thị Thuận, xã Thanh Lâm, cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh tế. Năm 2017 gia đình chị Thuận thực hiện mô hình trồng cam theo định hướng và nguồn vốn hỗ trợ 70% cây giống của huyện. Tới nay, vườn cam của gia đình chị phát triển ổn định và cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Gia đình chị sẽ tiếp tục vay vốn để mở rộng diện tích sản xuất, tăng thêm thu nhập.
Để các mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn được nhân rộng với hiệu quả cao, huyện Ba Chẽ đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ dân làm kinh tế gia trại, trang trại.
Mô hình nuôi gà của hộ anh Chìu Quý Nguyên, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ 13,997 tỷ đồng cho các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện (mô hình gia trại, trang trại). Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện mở các lớp tập huấn tại các xã và hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển hộ gia đình làm kinh tế gia trại, trang trại; tổ chức tham quan học tập các mô hình hiệu quả tại địa phương để các hộ đăng ký phấn đấu; thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ dân phát triển kinh tế trang trại… Hiện 19/19 hộ phát triển kinh tế gia trại, trang trại trên địa bàn huyện được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn nông thôn mới và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định để phát triển sản xuất.
Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Mô hình trang trại, gia trại đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện. Để duy trì và phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại phát triển bền vững, Phòng tập trung công tác quy hoạch các vùng có tiềm năng về phát triển kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn để phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương. Đồng thời, khuyến khích phát triển trang trại theo hướng chuyên canh, sử dụng giống cây, giống con có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện, thổ nhưỡng và phát triển kinh tế trang trại gắn với tiêu thụ sản phẩm để khuyến khích các hoạt động thương mại, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho người dân.
Minh Đức
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn