Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh, khác với các địa phương khác, Ba Chẽ không sở hữu những thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, với tư duy dám nghĩ, dám làm cùng bàn tay lao động cần cù, vẫn có những thanh niên đang nỗ lực từng ngày làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn nghèo khó này.
Chuyện về Nguyên “gà”
Ý định làm mô hình nông nghiệp thôi thúc Chìu Quý Nguyên, thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. |
Thanh niên ở Ba Chẽ phần lớn người đi thoát ly, người thì làm công nhân, còn người khác thì trồng rừng. Không giống bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, người thanh niên dân tộc Dao Chìu Quý Nguyên, thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh, lại chọn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Lý giải cho lựa chọn này của mình, Nguyên chia sẻ: “Dù khó khăn song mảnh đất quê hương em vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hơn nữa, để lập thân, lập nghiệp thì không có nơi đâu tốt hơn chính nơi mình sinh ra và lớn lên”.
Nói là làm, sau nhiều năm tìm hiểu, năm 2015, Chìu Quý Nguyên mạnh dạn vay vốn của người thân để lập nghiệp. Đi từ Đạp Thanh về Hải Dương, Nguyên phải mất cả tuần để mua được 500 con gà giống. Học tập kinh nghiệm của người dân, Nguyên cũng nuôi gà theo phương pháp chăn thả tự nhiên. Đồng thời, dùng toàn bộ vốn liếng đầu tư chuồng trại, thức ăn, thuốc chữa bệnh cho gà.
Trang trại gà của Chìu Quý Nguyên đã có lúc lên tới 1 vạn con. |
Nuôi gà ở Ba Chẽ có nhiều song với quy mô lớn thì Nguyên là người đầu tiên thực hiện. Do đó, những tháng đầu tiên, khó khăn chồng chất khó khăn với Nguyên. Nào là nguồn thức ăn chăn nuôi chưa thích hợp, rồi lại đến dịch bệnh trên đàn gà, đầu ra cho sản phẩm… Khó khăn dồn dập nhưng không làm chàng trai này nản chí. Từng ngày, từng ngày, Nguyên lại tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách chăn nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh cho gà một cách hiệu quả. Có những khi gà bị bệnh, Nguyên phải lặn lội mang gà ra Hạ Long làm xét nghiệm tìm thuốc chữa trị.
Không phụ lòng người, Nguyên đã tìm đúng loại thuốc thú y, thức ăn, phương pháp chăn nuôi hợp lý cho đàn gà. Rút kinh nghiệm từ những thất bại, giống gà là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công. Toàn bộ gà giống đều được nhập từ Công ty TNHH MTV Gà giống DABACO. Giống gà tốt cùng với việc áp dụng phương pháp chăn thả tự nhiên nên gà của Nguyên có sức khỏe tốt, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon. Toàn bộ gà của Nguyên đều được thương lái thu mua. Bán lứa gà đầu tiên, Nguyên thu về gần 300 triệu đồng.
Ước tính, vườn trà của Nguyên cũng mang lại thu nhập 200-300 triệu đồng/năm cho gia đình. |
Dám nghĩ, dám làm, Nguyên tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng quy mô trang trại. Chỉ sau 2 năm, đàn gà của Nguyên đã lên đến hơn 1 vạn con. Số tiền bán gà của Nguyên thu về từ 800 triệu – 1 tỷ đồng mỗi năm. Gia đình Nguyên đã trở thành hộ khá giả trong thôn. Và cũng từ đây cái tên “Nguyên gà” được người dân đặt cho anh.
Nguyên tâm sự: “Mình vừa là đảng viên, vừa là thanh niên, vì thế muốn người dân trong thôn thoát nghèo thì trước hết mình phải vươn lên thoát nghèo. Hơn nữa, mỗi sự lựa chọn đều có một hướng đi khác nhau nhưng ý định làm mô hình nông nghiệp đã hình thành từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính những điều đó đã thôi thúc mình thực hiện mô hình này”.
Không dừng lại ở đó, Nguyên mạnh dạn đầu tư thêm 1,4ha trồng trà hoa vàng xen canh với cây sa mộc vừa tạo bóng mát cho gà vừa mang lại thu nhập. Ước tính, vườn trà này cũng mang lại thu nhập 200-300 triệu đồng/năm cho gia đình. Vườn trà của Nguyên đang trổ hoa, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Với cương vị là Bí thư đoàn thôn, Nguyên còn hỗ trợ thanh niên trong thôn thực hiện mô hình chăn nuôi gà, đồng thời giúp đỡ bà con tiêu thụ gà thương phẩm. Năm 2017, Nguyên đã được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII – giải thưởng dành cho những thanh niên nông thôn đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất.
Người trồng ổi Đài Loan trên đất Ba Chẽ
Vườn ổi của anh Đặng Văn Sồi, thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình 200-300 triệu đồng mỗi năm. |
Ở xã nghèo Đồn Đạc, ai ai cũng biết đến vườn ổi thu nhập “khủng” của đảng viên Đặng Văn Sồi, thôn Làng Han. Đây là vườn ổi duy nhất hiện nay trên địa bàn huyện.
Con đường vào vườn ổi của anh Sồi nằm cách trục đường liên thôn gần 1km nhưng cũng khiến chúng tôi “chùn chân mỏi gối”. Vậy mà, mỗi ngày anh Sồi đều đi đến hàng chục lần. Khi thì kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây, khi thì diệt trừ sâu bệnh, lại có khi chỉ vì “nhớ”. Với anh, mỗi cây ổi đều như những đứa con thơ đang cần sự chăm sóc.
Nói về cơ duyên đến với cây ổi này, anh Sồi chia sẻ: “Cây ổi đến với tôi là cái duyên. Trong một lần đọc báo, tôi thấy mô hình trồng ổi của ông Đinh Mạnh Đới, xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ, tương đối dễ chăm sóc, giá trị cao, được nhiều thực khách ưa chuộng. Thêm vào đó, đồng đất Ba Chẽ có nhiều nét tương đồng với Hoành Bồ. Vì vậy, năm 2014 tôi quyết định “khăn gói quả mướp” đến tận nhà ông Đới để tham quan, tìm hiểu, học hỏi. Đồng thời, dùng tất cả vốn liếng của hai vợ chồng mua 100 cây ổi giống về trồng”.
Để biến 1ha đất đồi bỏ hoang thành trang trại trồng ổi quy mô như bây giờ, ngày ngày, người dân trong thôn đều thấy anh Sồi cặm cụi cuốc đất, san phẳng, đào hố mà không khỏi thắc mắc. Ấy vậy, khi nghe đến việc trồng ổi lê tại đây, nhiều người e ngại bởi sự rủi ro, thất bại, khó thành công. Với địa phương như Ba Chẽ, việc đầu tư mô hình này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bỏ ngoài tai những ý kiến trái chiều, anh Sồi vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình của mình.
Ngoài ổi, vườn của anh Sồi còn có 600 gốc cam sắp cho thu hoạch. |
Kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ, đến nay vườn ổi của anh đã có trên 200 gốc, cho thu hoạch quanh năm với sản lượng 1 tấn quả mỗi vụ. Với giá bán từ 18.000-25.000 đồng/kg, vườn ổi đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình 200-300 triệu đồng mỗi năm. Để có được thành công này, những gian nan mà anh Sồi đã trải qua cũng không ít. Bởi là người đầu tiên trồng ổi tại Ba Chẽ, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tế nên anh Sồi không khỏi ngỡ ngàng. Nhất là những lúc cây gặp sâu bệnh, anh đứng ngồi không yên bởi ngoài việc chưa có kinh nghiệm trị bệnh cho cây mà hầu hết các loại thuốc trong huyện đều không có. Ngày đó, mỗi khi cây bị sâu bệnh, anh Sồi lại lặn lội đi xe máy hàng chục km đường sang Hoành Bồ để tham khảo cách chữa bệnh. Con đường từ Ba Chẽ sang Hoành Bồ anh nhớ từng ổ gà, ổ trâu. Đến nay, toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều được giám sát chặt chẽ, ghi đầy đủ hồ sơ ngày tháng trồng, ngày tưới, tình hình sâu bệnh…
Vốn là người ham học hỏi, anh Sồi lại tìm hiểu thêm các anh em khác về kỹ thuật dẫn nước từ trên rừng về, tạo nguồn nước tưới quanh năm cho vườn ổi, đảm bảo cung cấp nước cho cây. Để tăng thu nhập cho gia đình, anh học hỏi, nghiên cứu, đầu tư trồng 600 gốc cam, 1.000 cây trà hoa vàng. Diện tích vườn đồi đã giúp anh có thu nhập không nhỏ hằng năm. Đồng thời, tạo việc làm cho 5-7 lao động địa phương mỗi vụ.
Anh Sồi tâm sự: “Nếu thấy khó khăn mà không dám thử thì không biết ý tưởng của mình khi nào mới thành hiện thực được. Lý do tôi chọn mô hình ổi lê này vào trồng bởi tôi thấy mô hình này còn khá mới ở địa phương. Hơn nữa, cây ổi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định mà còn có khả năng giữ đất, giữ nước, trở thành hàng hóa. Không dừng lại ở việc trồng rau, thu hoạch và cung cấp ra thị trường, tôi muốn phát triển mô hình trồng vườn này theo hướng du lịch trải nghiệm, trong đó, đón khách đến tận vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm”.
Lời kết
Khó khăn chắc chắn còn không ít nhưng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu, những đảng viên thanh niên người dân tộc này đã và đang làm giàu trên chính mảnh đất khô cằn, sỏi đá. Với ý chí, tư duy và sự cần cù, thành công của họ sẽ tạo động lực cho người dân nơi đây nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều những mô hình mới tiếp tục được triển khai ở vùng đất này. Những mô hình này sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước của một bộ phận người dân.
Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com