Giữ màu xanh cho Yên Tử

Quần thể các điểm chùa, am, tháp cổ kính của Yên Tử nằm rải rác từ chân núi lên tới đỉnh núi, giữa màu xanh bạt ngàn của rừng, tạo nên vẻ đẹp, sức thu hút riêng của Yên Tử. Vì vậy, TP Uông Bí xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh luôn song hành cùng nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên nơi đây.

Song hành lợi ích

f
Các tuyến đường hành hương lên các điểm di tích nằm giữa màu xanh của rừng quốc gia Yên Tử.

Yên Tử những năm gần đây được đầu tư rất lớn từ nguồn kinh phí nhà nước, doanh nghiệp cũng như từ nguồn công đức của du khách thập phương. Các tuyến đường giao thông dẫn vào Yên Tử được nâng cấp, khu trung tâm lễ hội và dịch vụ dưới chân núi Yên Tử cũng được đầu tư lên tới cả nghìn tỷ đồng, với nhiều công trình hiện đại pha nét kiến trúc cổ kính rất đẹp mắt. Cùng với đó, các dịch vụ của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cũng phát triển mạnh mẽ. Du khách hành hương từ vài chục, vài trăm nghìn người nay bình quân lên tới hơn một triệu người đến với Yên Tử hàng năm. Không chỉ tập trung vào mùa hội xuân mà lượng khách rải đều trong năm, những tháng ngoài hội cũng trên 2 vạn du khách, có cả khách quốc tế.

Sự thay đổi ấy giúp diện mạo xã Thượng Yên Công, nơi có di tích, khởi sắc đáng kể. Cả trăm lao động địa phương cũng được giải quyết về việc làm tại khu di tích Yên Tử, cả lao động phổ thông cho đến lao động kỹ thuật. Trong đó, số lao động dài hạn ổn định tính từ năm 2018 cũng gần 100 người.

f
Lượng khách hành hương về Yên Tử lên tới hơn 1 triệu lượt hàng năm.

Có sự song hành về lợi ích như thế, người dân địa phương đã dần nâng cao nhận thức, tích cực vào cuộc cùng với BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử quản lý và bảo vệ các điểm di tích cũng như rừng quốc gia Yên Tử.

Ông Phạm Văn Dược, Phó Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, chia sẻ: Những năm gần đây, rừng Yên Tử không còn xảy ra tình trạng chặt trộm lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép, tình trạng cháy rừng cũng được hạn chế tối đa. So với các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên cả nước, khu rừng quốc gia Yên Tử được đánh giá vào diện tốt nhất trong khâu quản lý, bảo vệ, cơ sở vật chất của các trạm bảo vệ được đầu tư khang trang, hiện đại hơn cả. Kết quả đó có sự giúp đỡ, phối hợp của chính quyền địa phương xã Thượng Yên Công, Hạt kiểm lâm, các cơ quan chức năng, đặc biệt là bà con nhân dân trên địa bàn. Thậm chí có người trước đây từng chặt phá rừng trái phép, nay rất có ý thức trách nhiệm phối hợp với chúng tôi bảo vệ rừng rất tốt…

Còn đó những khó khăn, thách thức

f
Cán bộ, nhân viên BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử rà soát lập phương án bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Giữ gìn cảnh quan, môi trường cho non thiêng Yên Tử là nhiệm vụ lâu dài. Bên cạnh những kết quả, chuyển biến tốt thì cũng còn không ít khó khăn, thách thức bởi diện tích rừng quốc gia Yên Tử và rừng dân sinh vẫn có sự chồng chéo. Nguồn lợi từ rừng khiến công tác bảo vệ, gìn giữ và phát triển rừng dễ tạo xung đột với người dân trên địa bàn. Mâu thuẫn trong bài toán bảo tồn di tích Yên Tử, bảo tồn đa dạng sinh học rừng quốc gia Yên Tử với nhu cầu phát triển cũng không dễ tìm ra giải pháp thỏa đáng…

f
Mai vàng Yên Tử là loài cây quý hiếm của rừng quốc gia Yên Tử.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Dược cho biết: UBND xã Thượng Yên Công thời gian qua đã làm tốt công tác vận động nhân dân giao nộp súng săn, súng tự chế. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân ở các thôn vẫn còn sử dụng súng săn lén vào rừng để săn bắn trộm. Việc bảo tồn một số loài cây quý hiếm trong rừng quốc gia Yên Tử như cây mai vàng Yên Tử, cây hoa chuông cũng có những khó khăn. Rồi vấn đề chồng chéo trong quản lý đất rừng cũng chưa giải quyết xong. Hiện nay, TP Uông Bí đã có văn bản báo cáo tỉnh để có phương án tháo gỡ, trên quan điểm đền bù giải phóng hết diện tích của các hộ dân nằm trong ranh giới cấp đất của Rừng quốc gia Yên Tử để BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử quản lý cho đồng bộ…