Giống cam đường canh được đưa về xã Việt Dân (Đông Triều) trồng hơn chục năm nay. Giống cam này quả tròn, không to, có vị ngọt sắc, thơm mát đậm đà…
Đây là giống cam được trồng lâu đời ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Ngày xưa, cam đường canh chỉ được trồng để tiến cung cho vua chúa, vì thế nó còn có tên gọi khác là cam ngự, hay cam vua. Hiện cam đường canh đang được trồng nhiều ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang và một số địa phương miền Trung.
Ở Đông Triều, cam đường canh được trồng nhiều tại xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê và Thủy An, từ nhiều năm nay đã đưa ra thị trường sản phẩm cây ăn quả có múi theo hướng an toàn, bền vững.
Xã Việt Dân hiện có diện tích cam đường canh lớn nhất ở Đông Triều. Bắt đầu từ những hộ dân đầu tiên đưa giống cam này từ Hưng Yên về trồng tại cánh đồng khu Đồng Nai của thôn Đồng Ý. Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây phù hợp với sinh trưởng, phát triển cây cam đường canh. Do đó, chất lượng quả cao, giữ được vị đặc trưng của cam đường canh. Từ đó, xã Việt Dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cây ăn quả cho nông dân để mở rộng diện tích trồng cam đường canh trong xã.
Thu hoạch cam đường canh ở thôn Khê Hạ, xã Việt Dân (Đông Triều). |
Anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Đồng Gừng, thôn Khê Hạ, hiện là tổ trưởng tổ cam của xóm cho biết, tổ của anh có 6 thành viên trồng gần 4ha cam canh đường, đã có 3ha đang cho thu hoạch. Giống cam trồng chỉ sau 3 năm cho thu hoạch quả. Được xã tập huấn kỹ thuật cộng với kinh nghiệm từ nhiều năm, cam phát triển khá nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình, mấy năm trước bán được 60.000đ/kg. Hiện thời điểm này, khách hàng từ Hà Nội về thu mua cam tại vườn với giá 35.000đ/kg. Anh Hùng cũng cho biết, một cây cam đường canh này chỉ cần cho 10kg quả là bằng giá 1 tạ thóc. Bây giờ, mỗi cây cam của anh cho thu hoạch quả hàng năm giá trị gấp 10 lần cấy lúa.
Các hộ trồng cam đường canh ở Đông Triều cho biết, tháng này phải thu hoạch cam, nếu để đến Tết Nguyên đán thu hoạch thì giá bán sẽ cao hơn nhưng phải đầu tư bón thêm kali và đậu tương ngâm ủ để tăng dinh dưỡng cho cây. Nếu không thì sang năm cây sẽ cho sản lượng thấp hơn nên rất ít gia đình để lại cam bán Tết.
Bóc quả cam đường canh vừa cắt trên cây xuống, anh Hùng giới thiệu với chúng tôi cách phân biệt cam đường canh trồng ở Đông Triều và cam đường canh Trung Quốc: Quả cam của Đông Triều có vỏ mỏng dính, sờ vào quả thấy có độ dẻo nhất định, rất chắc quả, múi căng mọng và nhiều nước. Còn cam canh Trung Quốc có màu sắc đỏ au rất đẹp, kích thước quả thì đồng đều nhau, to và dẹt hơn cam ta, vỏ thì dày, có vị nhạt hơn, trong ruột thì rỗng hơn và nếu sờ thấy quả cứng thì rất dễ bị khô…
Trên cơ sở thế mạnh về các vùng nông sản hàng hóa tập trung hiện có, xã Việt Dân tập trung công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản sạch, hình thành nên chuỗi nông sản an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu của thị trường.