Ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chỉ sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết bước đầu đã đem lại những kết quả quan trọng.
Huyện Ba Chẽ khuyến khích các doanh nghiệp, chủ rừng trồng thử nghiệm cây giổi xanh bản địa, kết hợp trồng cây ba kích, trà hoa vàng dưới tán. |
Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đã được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể. UBND tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành các địa phương, đơn vị triển khai các hoạt động lâm nghiệp đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, thực hiện ký kết chương trình hợp tác về phát triển lâm nghiệp với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị, các chủ rừng thực hiện theo quy định về công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng; giao cho thuê rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững… 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU. Trong đó, tập trung triển khai mô hình trồng rừng cây gỗ lớn nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh là gần 12.900ha, trong đó có gần 9.000ha trồng và trên 3.800ha chuyển hoá. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện điều tra, đánh giá các mô hình rừng trồng và đề xuất danh mục loài cây bản địa cung cấp gỗ lớn có giá trị cao, như: Giổi xanh, lát hoa, mờ, xoan đào, chò nâu, dẻ đỏ, lim xanh.
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU, Huyện ủy Ba Chẽ đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn và Đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện. Huyện khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu mô hình trồng giổi xanh bản địa kết hợp trồng ba kích, trà hoa vàng dưới tán, bước đầu đạt kết quả. Từ đó, tuyên truyền, vận động các hộ trồng rừng tích cực tham gia. Diện tích trồng rừng gỗ lớn hiện từng bước được nhân rộng tại một số xã trên địa bàn. Huyện đã xây dựng được mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp rộng 4,2ha.
Vườn ươm giống cây lâm nghiệp rộng 4,2ha của huyện Ba Chẽ. |
Với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương, năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hầu hết các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp của tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp tăng 5% so với năm 2019. Đến hết năm 2020, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%. Nhận thức của người dân dần được thay đổi trong việc thực hiện chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Quảng Ninh hiện có hơn 18.000ha rừng gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2030 phát triển thêm 30.000ha. Để thực hiện mục tiêu này, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người dân, các doanh nghiệp đầu tư trong phát triển, mở rộng diện tích rừng gỗ lớn, hệ sinh thái bền vững, phục vụ cho mục tiêu phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, cần phải có sự hỗ trợ, định hướng từ cơ chế chính sách của tỉnh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tập trung quy hoạch, phát triển rừng trồng cây gỗ lớn. Tới đây Sở sẽ tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị nguyên liệu gỗ phục vụ kinh tế lâm nghiệp…, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trúc Linh