Thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động tại Ba Chẽ

Giai đoạn 1 Cụm Công nghiệp (CCN) Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) hiện thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy gần 80% diện tích. Một số nhà máy đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.

22
Hiện tỷ lệ lấp đầy trong CCN Nam Sơn đạt gần 80% diện tích. Ảnh: Mạnh Trường

CCN Nam Sơn được quy hoạch chủ yếu sản xuất, chế biến lâm sản (gỗ, lâm sản ngoài gỗ); sản xuất ván thanh; đồ mộc dân dụng; hàng mỹ nghệ; bao bì xuất khẩu; sản xuất, chế biến nông sản; sản xuất công nghiệp. Từ năm 2016, Công ty CP Hoàng Thái (chủ đầu tư) đã bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu trong CCN.

Dự án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hạ tầng CCN Nam Sơn có tổng diện tích sử dụng 47,5ha đất, trong đó giai đoạn 1 thực hiện GPMB, đầu tư vận hành 28,5ha (trên 11ha đất công nghiệp, còn lại đất cây xanh, đất giao thông). Tổng mức đầu tư trên 276 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 60 tỷ đồng, nhà đầu tư 216 tỷ đồng). Đến nay, các hạng mục xây dựng hạ tầng CCN Nam Sơn đã cơ bản hoàn thiện.

Tiêu biểu, như: Đường bê tông trục chính nối tỉnh lộ 329 với cảng Nam Sơn, dài 495m; đường giao thông nội bộ nhánh 1, dài 322m; đường công vụ kết hợp đường trục chính vào khu xử lý nước thải, dài 200m; vỉa hè, cây xanh, cổng, tường rào, hệ thống điện chiếu sáng, diện tích trên 4.000m2; hệ thống thoát nước, rãnh dọc, dài trên 817m; nhà bảo vệ, đường gom dọc tỉnh lộ 329; khu xử lý nước thải tập trung, công suất 2.400m3/ngày đêm. Dự án đã hoàn thiện đánh giá tác động môi trường cho toàn CCN.

22
Nhà máy chế biến thủy sản (tôm) của Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ hiện giải quyết việc làm cho gần 400 lao động địa phương.

Cuối năm 2019, nhà máy chế biến thủy sản (tôm) của Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ chính thức đi vào hoạt động với công suất chế biến 15 tấn tôm/ngày. Đây là nhà máy chế biến thủy sản đầu tiên đi vào hoạt động trong CCN Nam Sơn. Nhà máy đã giải quyết việc làm cho gần 400 lao động, trong đó hơn 60% lao động tại huyện Ba Chẽ, mức lương bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn 2, Công ty CP Thủy Sản BNA Ba Chẽ đang chuẩn bị đầu tư thêm 4 nhà máy chế biến thực phẩm tại CCN Nam Sơn. Dự kiến khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp cần tuyển dụng gần 1.500 lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Chị Đỗ Như Uyên, công nhân Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ, cho biết: Tháng 12/2019, tôi được Công ty tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy. Chỉ sau 2 tháng được đào tạo và làm việc chăm chỉ, tôi được Công ty giao làm Tổ trưởng Tổ Sơ chế 1. Đến nay, bản thân tôi đã làm chủ các công đoạn trong dây chuyền chế biến tôm, được Công ty trả mức lương 8 triệu đồng/tháng.

22
Nhà máy sản xuất ván sàn trong CCN Nam Sơn đang hoàn thiện lắp ráp chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Không riêng chị Uyên, nhiều chị em được nhận vào làm việc tại nhà máy có thu nhập rất ổn định so với các công việc khác tại địa phương trước đây. Công ty đang duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, nên đời sống người lao động được quan tâm chăm lo rất tốt. Công nhân thường xuyên được Công ty đào tạo, huấn luyện quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh ATTP, nắm bắt quy trình máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, thu nhập.

Theo thông tin từ Công ty CP Hoàng Thái, đến nay, CCN Nam Sơn đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, có 3 nhà đầu tư thứ cấp đã đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương. Dự kiến trong tháng 5/2021, Công ty CP ANZ sẽ đưa 4 nhà máy sản xuất ván sàn vào hoạt động với nhu cầu tuyển dụng 300 lao động. Dự kiến nếu các nhà đầu tư thứ cấp trong CCN Nam Sơn đưa nhà máy vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm từ 3.500-4.000 lao động địa phương. Công ty CP Hoàng Thái đang chuẩn bị đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hạ tầng CCN Nam Sơn (giai đoạn 2) với diện tích 19ha.

Phạm Tăng