Với nền tảng vùng nguyên liệu và quy mô sản xuất khá ổn định, thời gian qua, Vân Đồn đang tập trung phát triển các sản phẩm theo định hướng sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và cấp quốc gia. Thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, vay vốn tín dụng, đã khuyến khích người nông dân mở rộng, phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện.
Sản phẩm ruốc hàu của Công Ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh trưng bày tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Quảng Ninh và 7 tỉnh Đông Bắc. |
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2020, huyện Vân Đồn đã phát triển các vùng sản xuất tập trung được quy hoạch, gồm vùng sản xuất cam và nuôi trồng thủy sản. Riêng đối với cây cam, toàn huyện có 310 hộ dân tham gia trồng 302ha, đạt 29,2% so với dự án quy hoạch. Trong đó, xã Vạn Yên có trên 180ha, xã Bản Sen có trên 30ha, xã Đoàn Kết trồng 51ha, Đài Xuyên trồng trên 26ha. Nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển bền vững cây cam, đến nay các hộ gia đình đã xây dựng đề án trồng cây cam bản địa theo hướng VietGAP.
Ông Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm HTX Nông trang Vạn Yên, cho biết: Gia đình tôi hiện có khoảng 10ha trồng cam các loại, diện tích cam Vạn Yên chiếm đến 80%. Cây cam này năng suất cao, mang lại giá trị kinh tế lớn, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 60 tấn quả. Để cây cam phát triển tốt, nguồn nước tưới cam được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra; phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam sạch, ngon, ngọt.
Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2020, đã có 161,7ha cam cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 7 tấn/ha, sản lượng cam thu hoạch ước đạt 1.130 tấn. Tổng trị giá thu nhập đạt trên 28 tỷ đồng.
Sản phẩm nước mắm Vân Đồn đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Cao Quỳnh |
Cùng với phát triển cây cam, với lợi thế biển đảo, những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng được người dân đầu tư bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện nuôi trồng được 3.500ha, trong đó diện tích nuôi các loài nhuyễn thể đạt 2.650ha, tập trung ở các xã: Bản Sen, Hạ Long, Thắng Lợi, Đông Xá, Ngọc Vừng, Quan Lạn. Bên cạnh đó, vùng nuôi cá biển lồng bè cũng đạt 4.900ha ô lồng, chủ yếu là cá song, cá giò. Năm 2020, người nuôi trồng thủy sản thu hoạch ước đạt 43.000 tấn hàu, 19.500 tấn ngao, 1.200 tấn cá lồng bè, giá trị sản xuất ước đạt 814,5 tỷ đồng.
Để nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện đã tập trung chuyển hình thức nuôi quảng canh, chủ yếu dựa vào điều kiện và nguồn thức ăn tự nhiên, sang bán thâm canh, áp dụng kỹ thuật nuôi và quản lý quá trình nuôi. Cùng với đó, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm gia tăng có giá trị kinh tế cao từ hàu. Tiêu biểu là các sản phẩm hàu chế biến của Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long, hay sản phẩm hàu thương hiệu Bavabi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh được đánh giá cao trên thị trường.
Theo ông Từ Tú Dương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, trên cơ sở các vùng sản xuất tập trung được quy hoạch, huyện đã triển khai các chương trình hỗ trợ vốn sản xuất, vốn vay tín dụng. Trong đó, ưu đãi lãi suất 6%/năm theo các dự án của tổ hợp, HTX; vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Đồng thời, thường xuyên hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ xây dựng hệ thống Trung tâm – điểm bán hàng OCOP, quảng bá tiếp thị; cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý Chương trình OCOP gắn với quản lý trên hệ thống tem điện tử thông minh…
Chủ nhiệm HTX Nông trang Vạn Yên Trần Văn Hậu bên vườn cam đang bước vào mùa thu hoạch. |
UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các cơ sở sản xuất hoàn thiện quy trình đảm bảo VSATTP. Đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực đã được phát triển thành sản phẩm OCOP đặc thù. Hiện huyện Vân Đồn có 26 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, 16 sản phẩm đạt từ 3-5 sao; 7 sản phẩm OCOP đã được Ban Xây dựng NTM tỉnh cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN. Ngoài ra, 10/10 cơ sở tham gia chương trình được các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận VSATTP.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thúc đẩy phát triển cũng còn gặp không ít khó khăn, một số sản phẩm chưa có nhiều sự thay đổi, khả năng cạnh tranh chưa cao, do thương hiệu, mẫu mã, chất lượng sản phẩm không thường xuyên được nâng cấp. Công tác quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, địa điểm sản xuất vẫn còn nhiều vướng mắc khiến các hộ kinh doanh chưa thực sự yên tâm, chưa mở rộng sản xuất, nhất là các cơ sở chế biến sản phẩm thủy hải sản. Nhiều cơ sở chưa có hệ thống xử lý chất thải, khâu sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, bài toán được mùa mất giá, tồn đọng hàng hóa cũng khiến nhiều đơn vị và người dân lo lắng.
Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2021, huyện Vân Đồn xác định đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trọng tâm hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, sử dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các hoạt động thương mại gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng cơ sở đầu mối thu mua, chế biến nông sản, thủy sản của địa phương; tập trung thực hiện Chương trình OCOP, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX thực hiện các chu trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm để định hướng sản xuất, dịch vụ đạt hiệu quả cao nhất.
Hoàng Quỳnh