Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các thành viên, nông dân, góp phần quan trọng phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Sản xuất rau sạch tại HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều). |
Nhiều HTX đã hỗ trợ rất lớn trong phát triển kinh tế hộ gia đình, như lo khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; mở rộng ngành nghề mới, khôi phục nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 378 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số trên 30.000 thành viên; doanh thu bình quân gần 1,3 tỷ đồng/năm/HTX, lãi bình quân 292 triệu đồng/năm/HTX.
Theo bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong: Để tạo tiền đề phát triển bền vững, HTX luôn quan tâm tới chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, HTX đã định hướng phát triển theo từng năm để đầu tư thành chuỗi hoạt động khép kín từ các khâu chọn con giống, nuôi trồng sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện mỗi ngày HTX Hoa Phong xuất bán trung bình 3 tấn nông sản an toàn.
Để nâng cao hoạt động của các HTX, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, các HTX mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHKT trong sản xuất, liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Điển hình như: HTX Tứ Đại (TP Hạ Long) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự hỗ trợ và giám sát của Công ty VinEnco (Tập đoàn Vingroup), sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại hệ thống Vinmart trên toàn quốc và hệ thống Aeon Nhật Bản tại Việt Nam, sản lượng khoảng 200 tấn/năm, doanh thu 5 tỷ đồng/năm; HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) sản xuất và tiêu thụ khoai tây Atlantic sang Hàn Quốc, sản lượng 1.200 tấn/năm, doanh thu 8 tỷ đồng/năm; …
Liên minh HTX tỉnh chủ động hỗ trợ cho các HTX, các đơn vị thành viên tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua Hội chợ OCOP, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP, hội chợ OCOP Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc… Mặt khác, tăng cường kết nối với các địa phương lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX có sản phẩm OCOP tham dự và giới thiệu, quảng bá thương hiệu OCOP Quảng Ninh tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, vẫn còn một số HTX chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó còn có hiện tượng HTX thành lập theo phong trào, thụ hưởng chính sách; năng lực quản lý, điều hành yếu; phương án sản xuất, kinh doanh chưa có tính đột phá, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số HTX chưa khẳng định rõ nét vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữ HTX với các thành viên còn hạn chế, lợi ích kinh tế trực tiếp HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều…
Để giải quyết khó khăn này, theo ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục hỗ trợ để hội viên được tiếp cận và hưởng thụ cơ chế, chính sách kinh doanh các nông sản; thông tin các cơ chế giảm tổn thất sau thu hoạch, khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của kinh tế tập thể và hỗ trợ các HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… Cùng với đó, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận nguồn vốn, đăng ký ngành nghề kinh doanh, thủ tục đất đai.
Các địa phương cũng cần tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh và phòng giao dịch ngân hàng CSXH tại các địa phương, tư vấn, hướng dẫn các HTX xây dựng dự án, làm thủ tục vay vốn từ các nguồn của tỉnh và trung ương để đẩy mạnh phát triển sản xuất…
Nguyễn Thanh