Uông Bí: Khảo sát vùng trồng quế tại Văn Yên (Yên Bái)

Trong 2 ngày 17, 18/4, đoàn công tác TP Uông Bí do Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) và khảo sát thực tế trên địa bàn huyện về mô hình trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cây quế.

TP Uông Bí khảo sát tại cơ sở chế biến quế tại Văn Yên
Đoàn công tác của TP Uông Bí khảo sát cơ sở chế biến quế tại Văn Yên.
Với các bộ phận của cây quế đều có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm tinh hơn.
Hiện các bộ phận của cây quế đều có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm.

Với diện tích hơn 40.000ha trồng quế, Văn Yên là địa phương trồng quế tập trung lớn nhất của toàn quốc. Cây quế của Văn Yên được đánh giá chất lượng tốt, tỷ lệ tinh dầu trong cây cao, diện tích trồng quế đã gần như phủ kín diện tích đất trống của toàn huyện. Cây quế Văn Yên giờ không chỉ có ở trên rừng mà đã xuống đến đồng ruộng, vườn, thậm chí được trồng dọc các tuyến đường giao thông. Hiện nay với hàng chục cơ sở chế biến quế trên địa bàn, mọi bộ phận từ lá, vỏ, thân, rễ… của cây quế đều được thu mua làm nguyên liệu.

Hiện tổng sản lượng cây quế Văn Yên mỗi năm đạt khoảng trên 6.500 tấn vỏ khô; 65.000 tấn cành, lá; 60.000m3 gỗ quế; 300 tấn tinh dầu; 50 triệu cây quế giống… Tổng giá trị đạt gần 800 tỷ đồng. Người trồng quế Văn Yên có thể đạt nguồn thu sau chi phí là 50 triệu đồng/ha/năm, trong vòng một chu kỳ quế là 15 năm. Giá trị tái đầu tư sau mỗi chu kỳ thu hoạch không đáng kể. 

Cây quế 15 tuổi
Cây quế từ 10 – 15 tuổi cho giá trị rất cao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, mục tiêu chuyến công tác đến Văn Yên lần này của đoàn công tác TP Uông Bí là học tập, ứng dụng mô hình trồng quế đối với diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn. Theo những tính toán ban đầu, rừng núi Uông Bí phù hợp với cây quế. Với giá trị thực tế như đã thấy tại huyện Văn Yên, cây quế được Uông Bí kỳ vọng trở thành mô hình lâm nghiệp mới, giá trị cao, thay thế cây keo, nâng cao giá trị canh tác trên từng ha đất rừng, góp phần hiện thực hóa chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 của TP Uông Bí.

Hiện nay, TP Uông Bí đang có trên 9.500ha rừng sản xuất. Phần lớn là rừng gỗ nhỏ với loại cây rừng chủ yếu là cây keo, giá trị thấp, thiếu tính bền vững. Khắc phục tình trạng này, giải pháp của TP Uông Bí là thay đổi cơ cấu cây rừng, đưa cây lâm nghiệp mới vào trồng thử nghiệm, trước tiên là cây quế và cây mắc ca. Đáng mừng là hiện Uông Bí đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu trồng, chế biến 2 loại cây rừng nói trên, trong đó có 1 dự án trồng quế diện tích 200ha và 1 dự án trồng 20ha cây mắc ca.

bbbb
Các sản phẩm chế biến từ quế được ứng dụng để sản xuất hóa, mỹ, dược phẩm và thực phẩm từ bình dân đến cao cấp.
jjjj
Tinh dầu quế là sản phẩm OCOP nổi tiếng của Văn Yên, hiện 80% sản lượng xuất khẩu nước ngoài.

Trước đó, TP Uông Bí cũng đã thành lập đoàn công tác khảo sát thực tế mô hình trồng cây mắc ca tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Việt Hoa