Vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) khu vực đảo Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) bên cạnh các ô, lồng nuôi cá, nhuyễn thể, nay có thêm những vạt rong sụn. Đây là mô hình NTTS mới phát triển ở Quảng Ninh, do ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long) triển khai trên cơ sở nhận chuyển giao, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn, vật tư, phân phối và bao tiêu sản phẩm của các đơn vị Hội Nuôi biển Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát.
Nuôi rong nói trên vùng biển Quảng Ninh đã từng được một số đơn vị triển khai, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đều bị thất bại. Ông Nguyễn Sỹ Bính cũng từng mất vốn do rong bị cá rỉa, chất lượng không đạt, không tiêu thụ được.
Thông qua các hội thảo, hội nghị của Hội Nuôi biển Việt Nam về rong sụn, nhận định đây vẫn là đối tượng nuôi khả thi trên vùng biển Phất Cờ, năm 2021, ông Bính thí điểm nuôi trở lại với những ô rong nhỏ lẻ xen kẽ với các dây nuôi thả hàu. Từ đầu năm 2022, khi có cam kết đồng hành của Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, diện tích nuôi rong sụn của ông Bính được nhân lên là 5ha, gồm cả nuôi xen kẽ nhuyễn thể và nuôi tập trung.
Từ những bài học đã có, ông Bính đưa vùng nuôi rong ra xa so với chân đảo để giảm tình trạng cá rìa quanh bờ đến ăn giá thể, ưu tiên chọn vùng nước có nền nhiệt ổn định 25-28oC để kích thích sự phát triển của cây rong. Kết quả cây rong sụn tại đảo Phất Cờ đạt độ trưởng thành chỉ sau 2-2,5 tháng nuôi. Đây cũng là thời kỳ cây có nhiều thành tố tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí trở thành nguyên liệu để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu…
Theo ông Bính, với mức tăng trưởng như trên, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn (trừ 4 tháng mùa đông), sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm. Với mức giá trên thị trường hiện nay là 2.500-3.000 đồng/kg tươi, doanh thu có thể đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 30-50% doanh thu.
Cũng theo ông Bính, đối với diện tích rong sụn hiện có của gia đình ông, việc tiêu thụ mới đang ở mức bắt đầu. Nhiều đơn vị khách hàng đã nhận các lô hàng mẫu để phân tích các thành tố, đánh giá chất lượng sản phẩm, thực hiện các bước cần thiết để đặt hàng với số lượng lớn. Trong đó có doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thạch rau câu có tiếng toàn quốc, một số doanh nghiệp có code xuất khẩu rong sụn ra nước ngoài.
Từ những kết quả đạt được đã khẳng định mô hình nuôi trồng rong sụn trên vùng biển Phất Cờ nói riêng, vùng biển Quảng Ninh nói chung, có tính khả thi cao. Để mở hướng đầu tư bền vững, hộ ông Nguyễn Sỹ Bính cũng như các đơn vị, doanh nghiệp hợp tác với ông rất mong muốn được các đơn vị chức năng quy hoạch vùng nuôi trồng rong sụn lên 200ha.
Ông Bính khẳng định, khi được quy hoạch vùng nuôi sẽ đảm bảo vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, trước mắt là đối với các bạn hàng đã ký cam kết tiêu thụ sản phẩm với gia đình. Đồng thời cũng là điều kiện triển khai cấp mã vùng nuôi, quản lý quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm… đảm bảo chất lượng rong sụn Quảng Ninh, cho phép sản phẩm rong sụn trở thành hàng hóa, có thể lưu thông trên các kênh phân phối lớn trong và ngoài nước.
Đáng mừng là nhận thấy cơ hội làm giàu từ cây rong sụn, hiện nhiều hộ NTTS tại đảo Phất Cờ cũng như trên vùng biển Vân Đồn đã sẵn sàng liên kết, hợp tác để mở rộng vùng nuôi trồng rong sụn, tạo thuận lợi để có thể phát triển vùng chuyên canh nuôi rong sụn diện tích lớn, giá trị cao.