Trà hoa vàng đã được huyện Ba Chẽ xác định là một trong những loại cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương, tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cây trà hoa vàng hiện đang gặp một số khó khăn.
Mô hình sản xuất giống trà hoa vàng của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh. |
Từ năm 2015, huyện Ba Chẽ đã bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ trồng hơn 300ha cây trà hòa vàng. Để hiện thực mục tiêu trên, giai đoạn 2015-2017, huyện đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ dân tham gia vào các dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung.
Đáng chú ý, 12/2018, Ba Chẽ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện đến năm 2020 định hướng năm 2030. Mục tiêu chính của đề án là huy động tối đa nguồn lực để bảo tồn phát triển cây dược liệu (trong đó có cây trà hoa vàng), qua đó sớm đưa Ba Chẽ trở thành vùng sản xuất, kinh doanh dược liệu trọng điểm của tỉnh. Cụ thể hóa đề án này, hằng năm, thông qua các dự án phát triển sản xuất nông thôn mới và Chương trình 135, huyện đều hỗ trợ các hộ dân tham gia nhân rộng mô hình trồng cây trà hoa vàng.
Đến hết năm 2018, diện tích trồng cây trà hoa vàng của Ba Chẽ là 146ha (đạt gần 49% kế hoạch trong Đề án). 2 địa phương có diện tích cây trà hoa vàng lớn nhất là: xã Đạp Thanh (hơn 28ha) và xã Đồn Đạc (42,8ha). Dự kiến năm 2019, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng, trồng hơn 40ha trà hoa vàng. Đến nay, diện tích đã cho thu hoạch hoa trà đạt trên 50ha, lá trà trên 60ha. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân đạt 3 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi đạt 20 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng của huyện đạt khoảng hơn 6 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ luôn được nhiều khách hàng lựa chọn tại các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh. Ảnh: Minh Đỗ (CTV) |
Lợi nhuận là vậy, nhưng để mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng đối với Ba Chẽ hiện nay không hề dễ dàng.
Được biết, năm 2015 huyện Ba Chẽ đã xây dựng Quy hoạch khu trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh và giao Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh quản lý khu vườn ươm, xưởng chế biến trà. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng được trên 80.000 cây giống trà hoa vàng các loại. Thế nhưng, sản lượng cây giống trên cũng chỉ đáp ứng từ 10-20% nhu cầu của địa phương. Đa số các hộ dân vẫn tự tìm cây giống tự nhiên trên rừng hoặc mua nơi khác về để nhân rộng mô hình. Trong khi đó, giá cây giống khá cao (25.000-30.000 đồng/cây) nên chi phí đầu tư ban đầu tương đối lớn. Thời gian từ khi trồng đến thu hoạch hơn 3 năm, nên đòi hỏi người trồng cây trà hoa vàng phải có vốn đầu tư lớn, đồng thời phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc.
Một khó khăn nữa là trà hoa vàng Ba Chẽ đã trở thành sản phẩm đạt 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP Quảng Ninh, nhưng trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 doanh nghiệp tư nhân sản xuất, thu mua và chế biến, chưa có nhà máy sơ chế, chế biến sâu loại dược liệu này.
Để khắc phục những khó khăn trên, ngoài các cơ chế hỗ trợ giống cho bà con nhân rộng mô hình trồng trà hoa vàng, Ba Chẽ đã và đang thúc đẩy xúc tiến quảng bá tiêu thụ rộng rãi sản phẩm này. Huyện cũng đã thu hút được 3 doanh nghiệp xây dựng quy hoạch và dự án đầu tư phát triển dược liệu gồm: Dự án trồng và chế biến cây dược liệu tại xã Thanh Sơn của Công ty CP Phú Khang HT; Dự án Trung tâm chăn nuôi, trồng cây lâm sản và đặc sản ngoài gỗ của Công ty CP Đầu tư Kỷ Tâm than Hà Tu và Dự án trồng và chế biến dược liệu tại xã Minh Cầm của Công ty CP Dược, vật tư y tế Quảng Ninh.
Đến nay, 3 doanh nghiệp đã xây dựng xong dự án, quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định. Dự kiến khi các dự án đi vào hoạt động sẽ nâng cấp công nghệ chế biến dược liệu nhất là cây trà hoa vàng sau thu hoạch từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường.
Ba Chẽ đang quyết tâm nhân rộng diện tích trồng và chế biến cây trà hoa vàng, qua đó nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm này sẽ trở thành là 1 trong 6 sản phẩm của tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn